Gần một tuần nay, câu chuyện về việc ngô, khoai được luộc bằng bột bể phốt đã gây xôn xao dư luận và làm không ít người hoang mang. Người thèm ngô, khoai thì không dám ăn, người bán thì ế ẩm. Cuộc mưu sinh của những người làm nghề bán ngô, khoai dạo lại một lần nữa bấp bênh, trớ trêu.
Xôn xao thí nghiệm gây hoang mang dư luận
Vài ngày nay mạng xã hội xôn xao chia sẻ bài viết trên facebook của chị L.H.T, một người trực tiếp thực hiện thí nghiệm làm chín ngô, khoai bằng bột thông cống. Thông tin bắt đầu được đăng tải vào ngày 23/7, đến nay đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, chục ngàn lượt thích. Hầu hết những người theo dõi thông tin đều phẫn nộ và lên án những người bán ngô, khoai.
Theo chị L.H.T, sau khi thấy một bạn gái có tên C.C.Đ chia sẻ: “Mọi người có bao giờ nhìn thấy một tải ngô luộc, đựng trong túi nilon, bao ngoài cùng bằng bao tải dứa? Có người nói với mình nó được luộc bằng bột thông bể phốt”, chị L.H.T liền chạy ngay ra chợ mua đồ về làm thử. Chị L.H.T mua một túi bột thông tắc cống, một bắp ngô và một cân khoai lang tím để thí nghiệm.
Các bước để thực hiện thí nghiệm như sau: hòa nước đổ dung dịch đó vào túi nilon, hiện tượng nóng bốc lên, thả ngô, khoai vào, miết túi ngay vì có mùi kinh dị. Kết quả: Sau 1 phút vỏ ngô chuyển màu vàng, túi nilon đựng nóng ran và không làm sao, dung dịch nóng tay và ngô, khoai chuyển màu đậm đà rõ.
Thí nghiệm luộc ngô, khoai bằng bột thông cống. |
Chị L.H.T chia sẻ: “Sợ quá, khóa cửa chạy ngay sang nhà u bẩm báo u đừng có ăn khoai mua ngoài vì không tin nổi. Giờ hoàn hồn về sau 2 tiếng thì khoai tím chuyển mầu vàng, phần lõi chưa chín vẫn tím. Đẹp cứ như món kimbap ý các bác nhờ. Ngô thì nhũn hết cả hạt, dung dịch vẫn ấm nóng. Và hoàn toàn chả có mùi kinh dị gì. Chỉ là em để lâu nó nhừ hết ngô”.
Kèm theo bài viết của chị L.H.T là những bình luận lo sợ và những tuyên bố “chắc nịch” rằng người bán ngô, khoai dạo đã sử dụng hóa chất này: “Đây là chị L.H.T thử để biết tác dụng có đúng thế không thôi chứ liều lượng và thời gian họ dùng khác bạn G.H.N ạ. Cụ thể là một anh chỗ làm mình kể. Chị thuê nhà anh ấy bán khoai vẫn cho nước luộc như bình thường. Một yến khoai chỉ cần hai muỗng bột súp tẩy ấy cho vào nồi nước. Đun sôi đều một cái là tắt bếp. Khoai hay ngô sẽ tự chín đều mướt và màu đẹp. Hoặc không cũng sẽ dùng một dạng hoá chất khác. Một viên như viên thuốc ấy cho một nồi khoai to. Nhưng mới chỉ là nghe kể lại. Nay chị T làm thì tin rồi”.
Không rõ thực, hư liệu người bán ngô, khoai dọc đường có sử dụng bột bể phốt không, nhưng ai đọc thông tin trên cũng hoang mang, lo sợ và kiên quyết từ bỏ món này.
Thí nghiệm luộc ngô, khoai bằng bột thông cống.
Điêu đứng mưu sinh ngô, khoai dạo
Lượt chia sẻ “thí nghiệm” càng lớn, sự hoang mang trong người dân càng tăng. Người thích ăn ngô khoai luộc thì trở nên ngại ngần khi định dừng mua. Người mưu sinh bằng gánh hàng rong cũng vì thế mà bị ảnh hưởng rất nhiều. Không ít lần những tin đồn trên mạng xã hội được lan truyền một cách nhanh chóng, rằng ngô luộc bằng pin, muối diêm, bột nhừ... gây hại sức khỏe đã từng làm ảnh hưởng đến những người mưu sinh bằng nghề bán ngô dạo trong thời gian qua. Vậy có hay không sự thật ngô, khoai được luộc bằng hóa chất?
Người bán ngô khoai dạo (ảnh minh họa). |
Theo chuyên gia nghiên cứu công nghệ sinh học - thực phẩm, bản chất của bột thông cống là sinh nhiệt, làm mềm và phân hủy các chất thải, chất bẩn tắc trong cống. Do đó, khi chúng ta tiến hành thí nghiệm như trên, sẽ có phản ứng củ khoai bị mềm đi song để làm chín đem ra thị trường bán như hiện nay lại là chuyện khác.
Trước đây, thông tin dùng pin luộc ngô gây hoang mang cho nhiều người thực ra chỉ là một tin đồn không có cơ sở. Pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium... rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người. Tuy nhiên, pin không có tác dụng làm chín thực phẩm như vậy do các phản ứng xảy ra không đáng kể. Người ta cũng không dễ tìm pin để cho vào nồi. Trong khi đó, họ hoàn toàn có thể công khai dùng muối NaHCO3 để làm nhanh chín thực phẩm. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải thận trọng khi khẳng định những người bán hàng rong có sử dụng các hóa chất này hay không để làm chín sản phẩm trước khi bán cho khách hàng bởi thực chất chưa hề có bằng chứng về việc này. Đó có thể chỉ là tin đồn gây ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh của họ.
Tìm đến những xe đẩy bán ngô ở phố cổ, chúng tôi được nghe lời trần tình của họ. Đa số người bán ngô đều tỏ ra bức xúc khi nhắc đến tin đồn bột bể phốt: “Mấy ngày nay nghe mọi người kể có tin cho bột bể phốt vào ngô. Ngô luộc bằng hóa chất mà rắn chắc được thế này sao. Một nồi ngô, khoai nếu đun bằng bếp than cũng chỉ tốn 15 nghìn đồng tiền than, thêm nước vào thì có đáng là bao. Luộc ngô, khoai chỉ mất sức, hơi đâu đi tìm mua một túi bột thông cống để luộc. Ngày bán được mấy chục bắp ngô và vài cân khoai luộc, thu nhập có khấm khá gì. Nhiều người nghe thông tin đồn thổi thôi cũng lo sợ. Rõ khổ!”.
Tin đồn một khi đã phát tán, gánh nặng mưu sinh của những người lao động thêm phần nặng nhọc hơn. Biết bao số phận, biết bao cuộc đời mưu sinh khó nhọc bằng nghề bán hàng rong trên các thành phố lớn lại một lần nữa rơi vào phen lao đao.
(Theo PLO)