- Tôi là con thứ ba trong nhà có 5 anh chị em. Khi còn sống, tôi không có tiếng nói chung với bố mẹ nên không được lòng. Trước lúc mất, bố mẹ tôi làm một di chúc chung, rằng tài sản được chia đều cho 4 anh chị còn lại, riêng tôi ông bà không hề nhắc đến.

Tôi là mẹ đơn thân, sức khỏe yếu (bị ung thư), nghề nghiệp không ổn định, không có khả năng lao động nặng, lại đang nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi. Trong trường hợp này tôi có thể đòi được phần thừa kế không?

{keywords}
Tôi có thể đòi phần thừa kế không (Ảnh minh họa)

Theo 626 Bộ luật dân sự 2015, quyền của người lập di chúc được quy định như sau:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Tuy nhiên, Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động”.

Di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.

Nếu di chúc của bố mẹ bạn đáp ứng đủ điều kiện di chúc hợp pháp, thì thực hiện theo nội dung di chúc. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc thì trường hợp con đã thành niên mà không có khả năng lao động sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản .

Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân

Điều 9. Các khoản giảm trừ

e) Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1, điểm đ, khoản 1, Điều này là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,...).

Căn cứ theo quy định trên thì nếu bạn thuộc trường hợp người mắc bệnh không có khả năng lao động có căn cứ chứng minh thì có thể xem xét hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản. Nếu người con được hưởng thừa kế theo di chúc không thực hiện việc trả cho bạn phần di sản mà bạn được hưởng thì bạn có quyền khởi kiện người kia ra tòa để đề nghị tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc