Thực tế không ít doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nợ đến 3 tháng lương khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cuộc sống, nhiều người lao động muốn "nhảy việc" đến môi trường tốt hơn. Nhưng có người vì lo sợ "mất trắng" lương khi nghỉ việc nên đành chọn ở lại với môi trường làm việc cũ dù không còn "mặn mà" gì.

Anh Minh Hoàng, nhân viên IT làm việc tại công ty quảng cáo truyền thông ở TPHCM cho biết, việc nợ lương là "thói quen" của công ty. Từ việc trả lương chậm ban đầu chỉ 15 đến 30 ngày, sau đó lên đến 2, 3 tháng liên tục. Điều này khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, anh vẫn lựa chọn làm việc tại công ty vì sợ "mất" 3 tháng lương.

{keywords}
"Nợ lương" là nguyên nhân chính khiến lao động mất đi động lực làm việc (ảnh minh họa)

"Hơn 3 tháng qua, tôi phải sử dụng tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống vì công ty nợ lương kéo dài. Dù đã tính đến chuyện nghỉ việc nhưng bây giờ mà "nhảy việc" có thể tôi mất tiền hoặc khó mà lấy được số tiền lương còn lại, vì phía công ty chưa đưa ra cách giải quyết công nợ cho nhân viên", Minh Hoàng nói thêm.

Không chỉ riêng các nhân viên tại công ty trên, chị Thục Vy - giáo viên dạy hợp đồng tại một công ty về lĩnh vực thiết bị giáo dục ở TPHCM - cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do tình trạng dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến năm 2021 khiến việc giảng dạy bị gián đoạn và chuyển sang hình thức học online.

Theo chia sẻ của chị Thục Vy, từ giữa năm 2020, công ty của chị không chi trả tiền lương theo tháng mà dựa vào hình thức tạm ứng. Mức lương cơ bản nhận hàng tháng tính đến thời điểm hiện tại bị giữ lại khoảng 50%.

"Số tiền lương do công ty nợ lại là lí do khiến tôi khó lòng mà nghỉ việc vì sợ mất lương cũng như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tìm được một công việc mới cũng không dễ dàng gì. Sau khi công ty đưa ra hướng giải quyết chi trả tiền lương thì tôi mới đưa ra quyết định nghỉ việc", chị Vy cho biết.

{keywords}
Theo chị Vy, nghề "chắc ăn" nhất như giáo viên cũng phải lao đao vì công ty nợ lương kéo dài (ảnh minh họa)

Trước nay, tình trạng "nợ lương" trở thành lí do khiến lao động chủ động xin nghỉ việc để tìm môi trường làm việc mới ổn định hơn. Nhưng trong thời điểm kinh tế nước nhà gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid kéo dài thì đây lại là lý do "níu chân" người lao động. Nhiều người lựa chọn chờ đợi công ty chi trả lương thay vì nhờ đến sự can thiệp của Liên đoàn Lao động tại địa phương.

Được biết, tiền lương mang nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động và cũng là nguyên nhân chiếm phần lớn để quyết định sự gắn bó của cá nhân với doanh nghiệp.

Theo luật hiện hành quy định người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động và chỉ được chậm lương không quá 30 ngày. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng nợ lương người lao động vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay. 

Đền bù nếu chậm lương quá 15 ngày

Theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu chậm lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Khi không được trả lương hoặc được trả nhưng không đủ, không đúng thời hạn, người lao động có thể nhờ những đơn vị có thẩm quyền liên quan can thiệp như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, khởi kiện lên tòa án…

(Theo Dân Trí)