- ĐB Nguyễn Anh Trí thì nêu mong muốn của nhân dân "người không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch mà leo cao".
Chức vụ thật, bổng lộc thật, dùng bằng giả khó mà từ chức
Cảnh báo những kẻ lươn lẹo, “sống giả” chui vào vị trí lãnh đạo
Thảo luận tại hội trường về báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm và các báo cáo công tác tư pháp chiều nay, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, cử tri rất mong các cơ quan chức năng tập trung làm tốt hơn, coi trọng hơn các biện pháp phòng ngừa vì phòng bao giờ cũng quan trọng và hiệu quả hơn chống.
ĐB Nguyễn Anh Trí |
Ông đánh giá cao việc nhìn thẳng sự thật của Chính phủ, đó là công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng ở cấp TƯ rõ nét nhưng ở địa phương còn hạn chế.
ĐB Hà Nội cho rằng nguyên nhân của những tồn tại có trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế là rất xác đáng.
Nhắc đến báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC cho thấy khiếu kiện hành chính tăng, tham nhũng tăng hơn 30%, tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng, ĐB Trí nêu suy nghĩ: “Tại sao Đảng, Chính phủ quyết liệt, UB Kiểm tra TƯ làm thực sự, công an rất tích cực, tòa án làm việc liên tục như vậy mà vẫn cứ phức tạp, nghiêm trọng?”.
Theo ông, cần phải phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ đảng viên thực hiện theo quy định của hội nghị TƯ 8 vừa qua.
“Tôi thấy đây là quyết định hợp thời. Nếu có lỗi không còn uy tín, không đủ điều kiện, năng lực thì nên chủ động từ chức. Sắp hết năm 2018 rồi, nhân dân chờ đợi sự chủ động của những người không đủ đức, tài”, ĐB Trí nói.
Ông cho rằng, còn hơn 1 năm nữa phải chuẩn bị cho được đội ngũ cán bộ chiến lược cho Đại hội Đảng 13, nhân dân mong người không đủ uy tín hãy từ chức, đừng như con lươn, con chạch mà leo cao. Bên cạnh đó, đề nghị QH xây dựng luật Từ chức để luật hóa quy định của Đảng.
Tham nhũng vặt trở thành nét văn hoá xấu xí
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng việc đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như tình trạng bôi trơn, sân sau, lợi ích nhóm, bảo kê… cho thấy thái độ kiên quyết, không né tránh của Đảng và Nhà nước.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa |
Tuy nhiên, ĐB tỉnh Đồng Tháp cũng lưu ý tình hình tội phạm diễn ra phức tạp, công khai. Bà kể lại việc một cô giáo ở Sài Gòn viết đơn gửi xã hội đen xin tha cho gia đình để chị được yên ổn dạy học là một câu chuyện buồn, là mảng tối trong đấu tranh phòng chống tội phạm.
Người dân đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tình trạng bảo kê cho tội phạm ở bệnh viện, bến xe… kéo dài nhiều năm không được phát hiện xử lý.
ĐB Hoa cũng lấy chiến dịch dẹp vỉa hè được hô hào, tốn rất nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông và cho biết người dân đã chờ đợi, hy vọng và người dân đã thất vọng bởi vì chiến dịch này không có hồi kết.
“Trong công tác phòng chống tội phạm đâu là vùng trũng, đâu là điểm nghẽn, đâu là khâu bế tắc cần tháo gỡ? Trên hết cần có sự cam kết về việc giữ kỷ cương và tinh thần thượng tôn pháp luật ngay chính trong cơ quan đại diện cho pháp luật. Đó là vấn đề tôi thay mặt cử tri gửi đến các cơ quan của Chính phủ chờ sự giải trình thoả đáng”, ĐB Hoa nói.
Về tham nhũng, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đề cập đến vấn nạn tham nhũng vặt là loại tội phạm nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực công gây bức xúc cho người dân và DN trong thời gian qua.
“Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì tham nhũng vặt cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền”, nữ ĐB lưu ý.
Tuy nhiên bà cũng nhấn mạnh, xử lý loại tội phạm này không dễ do diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành thói quen và thực sự trở thành nét văn hoá xấu xí của người Việt.
“Tôi đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể nguyên nhân, tác hại và có giải pháp ngăn chặn loại tội phạm này”, ĐB Đồng Tháp nói.
Theo bà, cần tuyên truyền vận động làm thay đổi tư duy, thái độ của người Việt đối với tham nhũng vặt. Kiên quyết nói không với việc tiếp tay cho tham nhũng.
Cùng với đó là tăng cường công khai minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong công tác cán bộ.
Ủy viên Bộ Chính trị chủ động từ chức khi không đủ uy tín
Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín.
Không đưa vào quy hoạch khóa 13 người cơ hội chính trị như 'con lươn, con chạch'
Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.
Kiểm tra sai phạm trong bổ nhiệm để chuẩn bị nhân sự khóa 13
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định: “Nếu đi kiểm tra, số cán bộ sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm chắc sẽ khác 10%”.
Thu Hằng