Ngày 18/7, theo ghi nhận của VietNamNet, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới thời điểm áp dụng quy định phạt tiền với người không phân loại rác tại nguồn nhưng rất nhiều người dân được hỏi đều nói chỉ nghe qua báo chí, không được ai tuyên truyền, vận động hay hướng dẫn thực hiện.

"Không hướng dẫn, tại sao lại phạt tôi?"

Từ ngày 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Đây là điều được nêu trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP).

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù có hiệu lực vào ngày 25/8 nhưng phần lớn người dân đều chưa biết nếu không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt tiền. 

Người dân còn chưa rõ về cách phân loại rác thải, còn đổ rác bừa bãi. Ảnh: Nhị Tiến

Bà Nguyễn Thanh Bình (47 tuổi, Ngọc Khánh, Ba Đình) quả quyết, chưa hề biết đến quy định này. Bên cạnh đó, rất nhiều cá nhân và các hộ gia đình vẫn gặp khó khăn trong việc nhận biết đâu là rác hữu cơ, vô cơ và rác tái chế.

"Như báo chí thông tin thì thời điểm xử phạt đã cận kề nhưng chưa ai phổ biến, hướng dẫn cách phân loại cũng như dùng các loại túi nào để chứa rác phân loại. Người dân chưa biết mà áp dụng xử phạt, thế thì ai cũng bị phạt", bà Bình nói. 

Anh Nguyễn Văn Công (34 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, bản thân là người thường xuyên theo dõi các chiến dịch về môi trường nhưng vẫn chưa nắm được các định về chính sách cũng như mức phạt khi không phân loại rác thải. 

“Tại sao lại phạt tôi? Trước khi đưa ra quy định phạt, cơ quan chức năng cần biết được người dân đã nắm được thông tin, có kiến thức và biết được phương thức thực hiện hay chưa? Cần có sự hướng dẫn cụ thể tới từng gia đình, đối tượng, từ các bạn nhỏ cấp mẫu giáo đến người lớn. Đa dạng các hình thức tuyên truyền để mọi người đều nắm được tác dụng của phân loại rác, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân. Thậm chí, với thói quen bỏ rác chung lâu nay, để chuyển sang phân loại rác tại nguồn, đòi hỏi phải có thời gian tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức. Ngược lại, không tuyên truyền, hướng dẫn mà đã có mốc xử phạt, tránh làm sao được”, chị Bùi Bích Phượng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Tổ dân phố cũng ngỡ ngàng

Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (60 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố số 11, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, người dân rất bối rối với quy định xử phạt nếu không phân loại rác.

Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có bất cứ hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện phân loại rác, thông tin ngày 25/8 nếu không thực hiện sẽ bị phạt khiến người dân lo lắng. 

Rác thải ùn ứ ở Hà Nội. Ảnh: Nhị Tiến

Theo bà Thủy, với thói quen bỏ rác chung lâu nay, nêu muốn thay đổi phải tuyên truyền, vận động, nên có các tờ rơi phát về tổ dân phố, trên cơ sở đó tổ dân phố sẽ thông báo tới từng hộ gia đình để nắm bắt quy trình phân loại rác. Nếu không có hướng dẫn, rất nhiều người sẽ không nhận biết được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái chế và từng loại rác thì bỏ vào đâu.

Trên địa bàn nơi bà Thủy quản lý cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì đường đi chật hẹp, khó đặt thùng rác.

"Công ty môi trường cần có giải pháp, cách tuyên truyền rõ ràng để người dân làm theo, nếu không thì người dân sẽ khó khăn thực hiện. Quy định sẽ không đi vào cuộc sống", bà Thuỷ nói.

Tại Đà Nẵng, theo ghi nhận, người dân cũng tỏ ra ngỡ ngàng với quy định phạt vì không phân loại rác.

Chị Đỗ Thị Phải (ngụ quận Liên Chiểu) cho biết, bản thân chưa nắm được thông tin từ ngày 25/8, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt có thể bị xử phạt, cũng như hướng dẫn về việc phân loại rác.

“Ở khu dân cư tôi sống, rác thải vẫn để lẫn lộn nhau và chưa có thùng phân từng loại riêng. Để mọi người cùng thực hiện thì cần có thời gian, không thể một sớm một chiều mà vội vàng đưa ra quy định phạt”, chị Phải nói.

Tại một số đô thị lớn, khi được hỏi về việc thích ứng ra sao với quy định không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt, không chỉ người dân, đoàn thể mà cả lực lượng làm công tác về môi trường cũng cho biết chưa tuyên truyền, vận động về việc này. Tương tự, nếu có thực hiện, cũng chưa rõ lực lượng nào sẽ đảm nhận công việc này. 

Như vậy, có thể thấy mốc xử phạt từ 25/8 sẽ khó khả thi khi người dân không được tuyên truyền, vận động để thay đổi thói quen, không được hướng dẫn về phân loại rác. Thậm chí, ngay với người dân ở Hà Nội, người dân nhiều khu vực còn đặt câu hỏi, sử dụng thùng chứa, túi đựng loại nào với rác đã phân loại. Tuy nhiên, tất cả những băn khoăn đó của người dân đều chưa được giải đáp, trong khi thời điểm xử phạt đang đến gần.