Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường Đại học kỹ thuật hàng đầu cả nước. Dĩ nhiên, như đặc điểm thường thấy của các trường kỹ thuật, nam sinh viên chiếm số lượng vượt trội, và phần nhiều trong số họ đều "mê chơi game", hay như cách chúng ta vẫn thường gọi đó là "game thủ". Trước năm 2006, thời điểm "Khu Tam Giác" còn tồn tại, ĐH Bách Khoa Hà Nội hồi đó được xem là "điểm nóng chơi bời" của game thủ xứ Hà thành, là nơi để sinh viên Bách Khoa khẳng định độ máu mê cũng như khả năng chơi game Off cực đỉnh. Thời đó, không phải ngẫu nhiên mà các bậc tiền bối có câu:

Nắng Bách Khoa thiêu đốt đời trai trẻ

Mây Hà Thành che lấp tuổi thanh xuân

Khu tam giác vàng oanh oanh liệt liệt

Chính là nơi game thủ sẽ lên thần!

Là thế hệ sinh viên Bách Khoa 8x đời đầu, khi đi qua cổng sau Ký túc xá ắt sẽ thấy khu Tam Giác. Nếu những ai còn chưa biết tới địa danh nổi tiếng này cũng sẽ nghe tiếng ngựa chém, tiếng lạc đà leng ka leng keng không dứt, âm thanh dân bị voi húc chế ứ hự (game AOE hay vẫn thường được biết với tên Đế chế); hoặc giả đó là tiếng nổ dập uỳnh uỳnh hay tiếng đạn chát chúa, giòn tan của trò Couter Strike (vẫn thường được gọi là Half Life) trong khu Tam Giác.

Là sinh viên Bách Khoa mê game, dám chắc chưa ai không một lần đến nơi đây test thử, thậm chí "đến rồi khó lòng dứt ra được" bởi khu Tam Giác có vị trí địa lí cực kỳ đắc địa. Nơi đây đối diện cổng Ký túc xá, cách giảng đường Bách Khoa không xa, sẽ thật tiện lợi cho những sinh viên ham game đến "rê con chuột và nhí bàn phím". Và nhất là trong ký ức người viết, những năm 2003-2005, trong khu Tam Giác một suất cơm cho sinh viên chỉ có 4-5k (4000 – 5000 vnđ) là ăn thừa sức no, đầy ứ thịt trứng ... và thậm chí là Free trà đá, thoải mái ghi nợ cho những "thằng sinh viên quen mặt" hay “khách hàng tiềm năng”. Chỉ có điều khâu vệ sinh an toàn thực phẩm thì...

Với chúng tôi, lứa sinh viên Bách Khoa đời 8x hồi đó thì Tam Giác Bách Khoa là nơi để lại nhiều dấu ấn và kỷ niệm tuy không đẹp song chẳng thể nào quên. Là nơi có thế rồng cuộn hổ ngồi (đánh đế chế hay có thói quen kê chân lên ghế giống như thế hổ ngồi, còn đê đêm xếp ghế co người nằm ngủ tựa như rồng cuộn). Nói vui một chút, thời trước khi được quy hoạch lại (ngày nay là con đường Trần Đại Nghĩa) thì Tam Giác Bách Khoa, "nơi địa thế vừa hiểm trở vừa hài hòa, một mặt tựa lưng vào con sông Sét đầy thơ mộng" đã từng là niềm cảm hứng bất tận của mấy tay thi sĩ nửa mùa.

Đồng đội nghoẻo hết cả rồi

Mình ta bốn một (Ak41) còn ngồi nhà hoa

Một thằng phải đấu với ba

Quyết tâm phá đảo mới là pờ-rô (pro)

Hoặc như:

Ghé thăm Sông Sét hôm nay

Đến khu Tam Giác mưa bay mơ màng

Bất ngờ nghe tiếng đì đoàng

Hóa ra bọn cướp cả làng buôn bom

Nghe bốn sáu nổ đòm đòm

Một thằng chơi đểu nó dòm máy soi

Đục tường máu chảy ruột lòi

Thằng kia lục bạc loi nhoi vỡ đầu.

Hay:

Cứ mỗi lần anh đi đánh chế

Là một lần nhỏ lệ nhớ em

Đôi khi nghe tiếng leng keng

Là anh lại nhớ ngày quen buổi đầu

Đủ thực kích chín đời đầu

Là anh lại nhớ tới mầu mắt em.

...

Một trong những kỷ niệm  còn nhớ mãi, đó là trong buổi tối người viết cùng vài thằng bạn tới ghé thăm khu Tam Giác hẹn nhau đánh chế thì bất ngờ ... Trong màn đêm tĩnh lặng chợt nghe tiếng rên đầy khó hiểu và xen lẫn là tiếng leng keng không dứt. Có một chút nghi hoặc, khi bước vào mới vỡ nhẽ: hóa ra có một chú xem phim 3X bên cạnh một gã đang đế chế. Hồi sau nhớ lại, kể lại kỷ niệm ấy mấy đứa đều không nhịn được cười.

Ngoài game và hệ thống các dịch vụ ăn theo (trà đá, hàng ăn ...) thì khu Tam Giác thời đó còn biết tới với một hệ thống lô đề cá độ rất hoành. Cuộc sống sinh viên xa nhà, tự do và được cầm tiền nhà gửi ra, thế nên rất nhiều sinh viên Bách Khoa không làm chủ được mình và đã "sa ngã". Trên một phương diện nào đó, có thể nói rằng khu Tam Giác Bách Khoa cũng góp một phần nào đó khiến "bao anh tài Bách Khoa" đánh mất mình.

Hiện khu Tam Giác Bách Khoa không còn nữa, và nói gì thì nói, song nó vẫn luôn hiện hữu trong tiềm thức sinh viên 8x Bách Khoa. Một trong những địa danh không bao giờ quên!

Lê Việt