Trong năm 2014, chúng ta đã được chứng kiến mức tổng doanh thu kỷ lục 25 tỷ USD của ngành công nghiệp game trên toàn thế giới, trong đó có 15 tỷ USD đến từ các thương vụ mua bán còn 9 tỷ USD đến từ thị trường chứng khoán.

"Châu Á chiếm lĩnh phân nửa thị trường chứng khoán game trong năm 2014 và đã thống trị thị trường này trong 5 năm liên tiếp", Tim Merel, nhân viên quản lý vốn của Digi-Capital, ngân hàng đầu tư game có trụ sở ở Luân Đôn cho hay. Ông chia sẻ, riêng trò chơi Candy Crush Saga của hãng King Digital Entertainment đã mang về hơn 500 triệu USD chỉ trong tháng 3 năm 2014.

Theo báo cáo của họ, Châu Á cũng là thị trường số một về mức doanh thu nhận được từ các trò chơi. Digi-Capital dự đoán khu vực này sẽ cán mốc 45 tỷ USD doanh thu trong năm 2018 trong tổng doanh thu 100 tỷ trên toàn cầu. Các quốc gia được dự đoán sẽ là người tiên phong thúc đẩy sự tăng trưởng đó là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Newzoo, doanh thu từ game của Châu Á hiện nay đang ở mức 36,8 tỷ USD, chiếm 45% tổng doanh thu 81,5 tỷ USD toàn cầu.

Các công ty game bậc trung đang bị bóp nghẹt

Ngoài việc thông báo các con số ấn tượng về doanh thu của ngành công nghiệp game trong năm qua, Digi-Capital cũng cho biết trong tương lai, các công ty game lớn và các studio indie nhỏ sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, song cũng chính vì vậy mà các công ty hạng trung phải chịu nhiều sức ép hơn.

Các công ty lớn thường đã có các trò chơi nổi bật với lượng người tiêu dùng khá đông đảo, do vậy họ có thể dễ dàng thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Từ những khoản lợi nhuận đó, họ có thể phát triển cơ sở hạ tầng của mình lớn hơn và tiếp tục đầu tư phát triển hay mua về các tựa game chất lượng hơn, lôi kéo nhiều khách hàng hơn, đồng nghĩa với doanh thu ngày càng tăng. Các studio indie cũng tương tự như vậy, tuy không có quy mô lớn như các công ty game hàng đầu nhưng vậy không có nghĩa là họ không có đội ngũ nhân viên đông đảo hay ngân sách để chi trả cho các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, các công ty hạng trung thì lại chưa có một hit game đáng kể nào song vẫn phải móc hầu bao chi trả tiền lương cho đội ngũ nhân viên, các khoản tiếp thị quảng cáo và cơ sở hạ tầng. Một điều nữa là nếu các tập đoàn lớn muốn nhảy vào ngành công nghiệp game thường đều không muốn mua lại một công ty hạng trung nào cả, bởi nếu thế cũng có nghĩa họ sẽ phải gánh chịu mọi khoản chi phí nêu trên. Do đó, các studio indie nhỏ trở thành đối tượng thích hợp hơn bởi tiềm năng phát triển của họ rất lớn, các khoản chi trả cũng không quá nhiều. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có chủ trương thâu tóm như vậy.

Với những lý do trên, có nhiều báo cáo cho rằng các công ty game tầm trung đang đấu tranh mạnh mẽ để được tăng mạnh đầu tư trong năm tới. Digital cũng khuyến nghị họ hoặc là 'được ăn cả ngã về không', còn nếu không muốn chấp nhận rủi ro cao thì có thể cắt giảm tối thiểu mọi chi phí để tồn tại lâu dài.

T.B