1. Quận nào của Hà Nội có nhiều đường, phố mang tên các bác sĩ nổi tiếng nhất?

  • Hoàn Kiếm
    0%
  • Hai Bà Trưng
    0%
  • Đống Đa
    0%
  • Cầu Giấy
    0%
Chính xác

Quận Đống Đa có tới 7 đường, phố đặt tên theo các thầy thuốc được nhiều người biết tới của Việt Nam. Đặc biệt, các dãy phố này nằm khá gần nhau. Đó là phố Hồ Đắc Di, Hoàng Tích Trí, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Doãn, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước. 

2. Bác sĩ nào sinh ra tại Huế, từng làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội?

  • Hồ Đắc Di
    0%
  • Trần Văn Lai
    0%
  • Phạm Khắc Quảng
    0%
Chính xác

Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984) sinh ra tại Huế. Theo lời khuyên của ngự y triều đình Huế, gia đình đã chọn nghề y cho Hồ Đắc Di. Từ năm 1918 tới 1932, ông du học ở Pháp. Ông tốt nghiệp bác sĩ với luận văn về phương pháp mới trong phẫu thuật dạ dày - tá tràng để điều trị chứng hẹp môn vị mà không phải cắt bỏ dạ dày. Ông làm việc một thời gian ở Bệnh viện Tenon rồi về nước.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, Giáo sư Hồ Đắc Di gánh vác nhiều trọng trách như Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy, Tổng thanh tra y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ. 

Phố Hồ Đắc Di có vị trí từ phố Tây Sơn qua khu tập thể Nam Đồng và hồ Xã Đàn đến phố Đặng Văn Ngữ. 

3. Vị bác sĩ nào là tác giả của phương pháp "mổ gan khô"?

  • Hoàng Tích Trí
    0%
  • Nguyễn Văn Hưởng
    0%
  • Tôn Thất Tùng
    0%
Chính xác

Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912-1982) quê Thừa Thiên Huế. Ông là một bác sĩ phẫu thuật nổi danh trong lĩnh vực nghiên cứu về gan. Ông là tác giả của "phương pháp mổ gan khô" hay còn được gọi là "phương pháp Tôn Thất Tùng".

Ông từng làm Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Con trai ông là bác sĩ tài năng Tôn Thất Bách - chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tim và gan mật. 

Phố Tôn Thất Tùng có vị trí từ ngã ba Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đến đường Trường Chinh, qua trước cổng Trường Đại học Y Hà Nội. 

4. Bác sĩ nào từng là Bộ trưởng Bộ Y tế kiêm Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương?

  • Phạm Ngọc Thạch
    0%
  • Trần Hữu Tước
    0%
  • Đặng Vũ Hỷ
    0%
Chính xác

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) sinh ra ở Quy Nhơn. Sau khi học tại Trường Đại học Y Hà Nội 2 năm, ông được gửi sang Pháp học tiếp. Ông từng làm Giám đốc bệnh viện Lao vùng núi phía Đông nước Pháp, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tại Viện điều dưỡng Haute Ville.

Năm 1936, ông rời bỏ cuộc sống ổn định ở Pháp về mở phòng mạch tư trị bệnh lao. Cùng thời gian này, ông tham gia các hoạt động yêu nước. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Y tế. Ông cũng có thời gian kiêm nhiệm Giám đốc Viện chống lao Trung ương và Giám đốc Bệnh viện 303. 

Phố Phạm Ngọc Thạch bắt đầu từ Đê La Thành đến ngã ba Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng, chạy giữa hai khu nhà tập thể Kim Liên - Trung Tự.

5. Cùng với các đồng nghiệp, vị bác sĩ này đã góp phần phát triển vắc xin phòng sốt rét?

  • Vũ Văn Cẩn
    0%
  • Trần Duy Hưng
    0%
  • Đặng Văn Ngữ
    0%
Chính xác

Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa vắc xin chống thoa trùng sốt rét vào sử dụng cho người để phòng sốt rét. Cách đây gần 60 năm, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng các đồng nghiệp đã sử dụng tuyến nước bọt muỗi có thoa trùng tự nhiên để làm vắc xin ngăn chặn giai đoạn thoa trùng từ muỗi xâm nhập vào cơ thể người, phòng sốt rét. 

Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910-1967) có nhiều công trình giá trị về chuyên ngành Ký sinh trùng. Ông từng là Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng.

Ông đã hy sinh do bom B52 trong một lần tổ chức đoàn nghiên cứu sốt rét vào chiến trường Trị Thiên Huế ngày 1/4/1967. 

Phố Đặng Văn Ngữ bắt đầu từ phố Phạm Ngọc Thạch đi đến hồ Xã Đàn.