Người dân hứng chịu ô nhiễm từ nhà máy xử lý rác thải

Phản ánh đến VietNamNet, người dân thôn Lý Nhân (xã Bá Xuyên, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, từ tháng 9/2023 đến nay, hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công gây ô nhiễm môi trường, đem tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân.

W-o-nhiem-song-cong-2-1.jpg
Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công

Bà Đỗ Thị Tỉnh (thôn Lý Nhân) cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công đi vào hoạt động từ năm 2016. Ban  đầu thì rất bình thường, nhưng đến năm 2023 xuất hiện bụi đen bay vào nhà dân và phủ lên các cây trồng.

"Chỉ 1 ngày không lau rửa nhà thì đi đến đâu in dấu chân đến đấy. Các cháu nhỏ luôn trong tình trạng chân tay đen đúa. Để tránh bụi bay vào nhà, các gia đình đều đóng cửa, nhưng cũng không ngăn được bao nhiêu", bà Tỉnh nói.

W-o-nhiem-song-cong-10-1.jpg
Thềm nhà bà Tỉnh lúc nào cũng bị bụi đen phủ lên.
W-o-nhiem-song-cong-7-1.jpg
Những bao rác thải được chôn lấp thô sơ.
W-o-nhiem-song-cong-5-1.jpg
Rác thải tích tụ trong thời gian dài khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm.

Cánh đồng bỏ hoang vì nước thải

Từ nhiều năm nay, hơn 3ha đất cấy lúa nằm ngay cạnh Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công bị bỏ hoang, không thể canh tác do thường xuyên hứng chịu nước xả thải trực tiếp từ bãi rác.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, khu vực canh tác lúa của người dân xã Bá Xuyên chỉ nằm cách khu chôn lấp rác thải Sông Công hơn 100m. 

W-o-nhiem-song-cong-1-1.jpg
Cánh đồng hơn 3ha bị bỏ hoang vì ô nhiễm.

Tại đây có ống cống đường kính khoảng 70 - 80cm chôn dưới đất, nối từ khu vực bãi chôn lấp rác đến thẳng đồng ruộng. Nước chảy ra màu ngả màu, sủi bọt trắng và có mùi hôi thối. Nước thải còn kéo theo cả rác, túi nylon. 

W-o-nhiem-song-cong-13-1.jpg
Nước thải có màu ngả vàng và sủi bọt trắng xóa.

Chia sẻ với phóng viên, anh Ngô Hữu Đức (xã Bá Xuyên) cho biết, diện tích ruộng của gia đình anh ở khu vực này đã bỏ hoang, không thể canh tác do ô nhiễm bởi rác và nước thải. 

“Trước đây, người dân cấy lúa rất tươi tốt, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây lúa không thể phát triển được, chăm mấy cũng héo rồi chết”, anh Đức phản ánh.

W-o-nhiem-song-cong-6-1.jpg
Nước từ bên trong hồ thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công theo ống cống chảy ra cánh đồng.

Gia đình bà Đỗ Thị Tỉnh có hơn 1 sào Bắc Bộ đất ruộng tại khu vực này cũng phải bỏ hoang. “Nước thải xả ra như thế làm sao cây lúa có thể sống được. Chúng tôi cấy ra mà không được thu hoạch nên bỏ cho đỡ mất công. Người dân ở đây có ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa thấy chính quyền có phương án giải quyết dứt điểm", bà Tỉnh bức xúc nói.

W-o-nhiem-song-cong-16.jpg
Nước thải, rác tràn ra cánh đồng.

Ông Ngô Quang Tỵ, Trưởng thôn Lý Nhân xác nhận, hiện nay có khoảng 3ha ruộng đồng bị bỏ hoang vì nước bẩn cứ xả ra, người dân có ruộng mà không được sản xuất.

W-o-nhiem-song-cong-15-1.jpg
Ông Ngô Quang Tỵ, Trưởng thôn Lý Nhân chỉ vị trí nước bẩn chảy ra.

Liên quan đến tình trạng ô nhiễm nêu trên, ông Lưu Văn Toán – Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết, cuối tháng 1 vừa qua, Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức xác minh thực tế tình trạng ô nhiễm tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Sông Công, làm việc với Công ty TNHH Môi trường Sông Công; lấy mẫu đánh giá chất lượng khí thải ống khói.

Tại khu liên hợp này còn có Công ty CP môi trường và công trình đô thị Sông Công (thuộc quản lý của UBND TP Sông Công) hoạt động. Đơn vị này đang quản lý bãi chôn lấp rác thải rộng khoảng 5ha, với hình thức chôn lấp rất thô sơ.

W-o-nhiem-song-cong-14-1.jpg
Thải xỉ của bãi rác cũng được đổ ngay cạnh đồng ruộng, không có tường ngăn cách.

Theo ông Lê Hải Bằng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, bãi rác này đã đầy và không có các hệ thống xử lý nước rác, hiện nay nước rác đang chảy ra ngoài môi trường.

"Sở TN&MT tỉnh đã có văn bản gửi đến UBND TP Sông Công đề nghị sớm có biện pháp để đóng cửa bãi rác và khắc phục tình trạng ô nhiễm theo quy định'', ông Bằng cho biết.