Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà, ông Phan Thanh Dân cho biết, từ 10 ngày trở lại đây, bản thân ông cùng các Phó phòng, chuyên viên phòng GD&ĐT, các hiệu trưởng và nhiều giáo viên liên tục bị nhiều số lạ gọi điện khủng bố đòi nợ, bị nhiều tài khoản Facebook bêu rếu, vu khống trên mạng xã hội.

Theo thầy Dân, nguyên nhân vợ chồng thầy L.K. Y. là chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà từng vay nợ của một công ty tài chính.

Trưởng phòng GD&ĐT, cùng nhiều chuyên huyện Lộc Hà bị bêu riếu trên mạng xã hội vì chuyện nợ của giáo viên. Ảnh chụp màn hình

“Vụ việc gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín của tôi cũng như nhiều người khác. Chúng tôi đã trình báo lên Công an huyện Lộc Hà và Sở thông tin và Truyền thông để xử lý sự việc.

Có rất nhiều số điện thoại gọi liên tục cho tôi vào nhiều khung giờ khác nhau, họ bảo thầy Y. có nợ họ một khoản tiền yêu cầu tôi phải chỉ đạo thầy Y. trả nợ cho họ”, ông Dân nói.

Ông Dân cho biết thêm, mỗi lần bắt máy là ông bị đe dọa, uy hiếp, tuy nhiên khi yêu cầu họ cung cấp hóa đơn, chứng tờ vay nợ của thầy Y. để ông làm việc với thầy Y. thì họ lại quanh co và tắt máy.

Tin nhắn gửi tới Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà

Ngoài việc đưa số chứng minh nhân dân, số điện thoại của vợ chồng thầy Y. lên mạng xã hội, nhiều tài khoản Facebook ảo còn dùng hình ảnh, số chứng minh nhân dân của Trưởng phòng, Phó phòng và nhiều đồng nghiệp của vợ chồng thầy Y. với nội dung tác động vợ chồng thầy Y. trả nợ.

Thậm chí, họ còn vu khống, cắt ghép hình ảnh một nam đồng nghiệp của thầy Y. và vợ của thầy ngoại tình với nhau bêu riếu trên mạng xã hội.

Ngoài ra, nhóm đòi nợ liên tục, gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tin thần nhiều giáo viên, hiệu trưởng trong địa bàn huyện Lộc Hà.

Các đối tượng đòi nợ cắt ghép ảnh vợ thầy Y. với một lãnh đạo phòng GD, xuyên tạc chuyện ngoại tình, đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm. Ảnh chụp màn hình

“Tôi đã làm việc với thầy Y. về chuyện nợ nần của gia đình thầy. Thầy Y. cho biết, gia đình từng có vay một khoản nợ của công ty tài chính và thầy khẳng định là đã trả hết số nợ”, ông Dân cho biết.

Theo trình bày của thầy Y., đầu năm 2020, vợ thầy có giấu gia đình vay hơn 100 triệu đồng của một công ty tài chính trong thời hạn một năm với lãi suất rất cao để về mua sắm vật dụng trong gia đình. Khi chưa đến thời trả nợ thì bên cho vay đã liên tục gọi điện uy hiếp vợ thầy trả nợ.

Khi đó thầy Y. mới biết có khoản vay trên với lãi suất rất cao.

Thầy Y. khẳng định, vào tháng 4/ 2020, vợ chồng thầy đã ra ngân hàng (vay qua ngân hàng) trả cả gốc lẫn lãi hơn 120 triệu đồng.

"Khi có có nhiều số điện thoại gọi đến lãnh đạo phòng bảo tôi trả nợ. Tôi có lấy các số điện thoại đó gọi lại bảo họ nếu vợ chồng tôi có nợ thì gọi trực tiếp cho vợ chồng tôi, nợ bao nhiêu, hợp đồng và cách thức trả nợ ra sao thì không nhận được phản hồi.

Sự việc xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến công việc, uy tín của bản thân tôi nên tôi trình bày với lãnh đạo Phòng GD&ĐT và có nhờ bên Công an huyện và Sở Thông tin và Truyền thông làm rõ", thầy Y. nói.

Đậu Tình

Bảng kê khủng khiếp trong vụ nữ sinh nợ tín dụng đen gần 300 triệu

Bảng kê khủng khiếp trong vụ nữ sinh nợ tín dụng đen gần 300 triệu

“Em gái tôi hiện rất hoảng loạn, có dấu hiệu trầm cảm khi liên tục nhận tin nhắn đòi nợ, doạ dẫm” anh D, anh trai T - nữ sinh đã vay ‘tín dụng đen’ trực tuyến gần 300 triệu đồng.

Giáo viên vay tiền, hàng loạt hiệu trưởng bị 'khủng bố'

Giáo viên vay tiền, hàng loạt hiệu trưởng bị 'khủng bố'

Mặc dù không vay tiền, nhưng nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở Nghệ An bị đăng tải thông tin đe doạ, gọi điện thoại đòi nợ.