Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì chưa đáp ứng quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Bộ NN-PTNT cho biết, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC (tháng 10/2023), kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU có sự tiến bộ so với trước, nhưng chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế nên chưa thể gỡ được cảnh báo “thẻ vàng”. 

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ban, bộ, ngành, địa phương với thời gian hoàn thành, kết quả đạt được. Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song việc chỉ đạo và tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự tập trung, quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

W-tau-ca-1.jpg
Tàu cá vi phạm chống khai thác IUU là một trong những nguyên nhân khiến thuỷ sản Việt Nam chưa gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" EC (Ảnh: Hồ Giáp)

Để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” EC, phát triển ngành thủy sản Việt Nam bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, kiểm ngư đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trên các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước. 

Những ngày này, trên vùng biển giáp ranh của Việt Nam với các nước, loa từ tàu kiểm ngư liên tục phát ra lời nhắc nhở: "Tàu KN202 gọi tàu cá ở toạ độ 06 độ 24 phút 00 giây Bắc, 107 độ 33 giây 00 phút Đông. Đây là thời gian cao điểm đợt phòng chống khai thác IUU của cả nước nhằm gỡ thẻ vàng EC...".

Theo ông Tạ Tiến Quang - cán bộ tàu KN202, hoạt động tuyên truyền qua hệ thống phát thanh là một trong những công việc thường nhật của tàu cũng như lực lượng kiểm ngư và biên đội tàu trực trên biển chống khai thác IUU. 

Việc giúp bà con xác định vùng biển chồng lấn, giáp ranh luôn được cán bộ và thuyền viên chú trọng, bởi nhiều tàu cá không xác định được toạ độ rất dễ xâm phạm vùng biển nước ngoài. 

Thế nên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm ngư luôn tập trung tuyên truyền những nội dung về tọa độ đánh bắt, các hành vi bị nghiêm cấm, các hình thức xử phạt, các quy định về bảo đảm an toàn cũng như là các kênh liên lạc khi cần các lực lượng chức năng hỗ trợ. 

Ở trên biển, trong điều kiện thời tiết cho phép, cán bộ kiểm ngư sẽ đến từng tàu, gặp từng ngư dân để tuyên truyền. Còn khi sóng lớn, gió to, cán bộ kiểm ngư sẽ thực hiện tuyên truyền, nắm thông tin qua hệ thống máy liên lạc nghề cá, ông Tiến cho hay.

Với phương châm “đến từng tàu, gặp từng người, chỉ từng điểm”, Ngô Đăng Hoài, Bí thư Đảng ủy Chi đội Kiểm ngư số 2 cho biết, các tàu của kiểm ngư khi tham gia thực hiện nhiệm vụ thường cơ động đến gần từng tàu cá để tuyên truyền, bảo đảm 100% tàu cá hoạt động trong khu vực nhận đủ thông tin cần thiết. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể từng điểm trên hải đồ, tọa độ, ranh giới biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bằng các bộ tài liệu để ngư dân nắm rõ từng khu vực khai thác…

Theo ông Hoài, Chi đội Kiểm ngư số 2 định kỳ hàng, quý phối hợp với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhiều nội dung quan trọng liên quan đến chống khai thác IUU. Trong đó, lưu ý ngư dân khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, phổ biến kiến thức cho thuyền trưởng, chủ tàu về chủ quyền quốc gia trên biển, ý thức tôn trọng Luật Biển Việt Nam, Luật Biển quốc tế...

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, thông tin, năm 2023, lực lượng kiểm ngư Trung ương đã thực hiện 28 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra 1.061 phương tiện hoạt động khai thác trên biển. Lực lượng kiểm ngư đã phát hiện 161 tàu cá vi phạm; xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính trên 10,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm ngư cũng phối hợp với cảnh sát biển, lực lượng biên phòng, kiểm ngư địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra chung, tăng cường tuần tra chuyên đề, hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và vịnh Bắc bộ.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng, nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang suy giảm nghiêm trọng, cảnh báo “thẻ vàng” IUU vẫn chưa tháo gỡ được thì việc thực thi pháp luật nói chung, đối với lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương nói riêng lại càng đóng vai trò quan trọng.

Đến nay, chỉ 21/28 tỉnh, thành phố ven biển thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Ông Hùng đề nghị, các địa phương chưa thành lập lực lượng kiểm ngư, cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để thành lập để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển.

Tâm An