Kiên Giang là tỉnh có vị trí trọng điểm đối với nghề cá đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thời gian qua, ngành thủy sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Năm 2023, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt trên 33.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thuỷ sản hơn 233 triệu USD; sản lượng thủy sản 798.319 tấn; thủy sản đóng góp vào cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 50,52%.

Tháng 12/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, kế hoạch nuôi biển của tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 dự kiến sẽ có 7.500 lồng nuôi, tương đương với sản lượng 29.890 tấn. Diện tích nuôi biển ven bờ 25.500 ha, sản lượng 83.850 tấn tập trung tại các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Kiên Hải, TP Phú Quốc và TP Hà Tiên.

Đến năm 2030 số lượng lồng nuôi biển của tỉnh tăng lên 14.000 lồng, diện tích nuôi biển ven bờ đạt 26.900 ha. So sánh với tình hình nuôi biển hiện tại, dư địa cho ngành nuôi biển tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 còn rất lớn. Để phục vụ phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi biển tập trung để thu hút đầu tư vào phát triển nuôi biển.

nuôi biển kiên giang.jpg
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững, TP Phú Quốc sẽ chú trọng việc nuôi trồng thay thế dần cho khai thác tự nhiên.

Thực hiện Đề án nuôi biển, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi biển, chú trọng tập trung đầu tư hạ tầng để phát triển ngành thủy sản, trong đó có nghề nuôi biển, đồng thời có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và thu hút các doanh nghiệp nuôi biển xa bờ và đối tượng chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi biển hoặc chuyển đổi từ lồng bè nuôi truyền thống sang lồng bè nhựa HDPE.... 

Đến nay, nghề nuôi biển của tỉnh đã đạt được những kết quả ban đầu. Năm 2022, tổng diện tích nuôi biển của tỉnh là 22.097ha, sản lượng thu hoạch 77.988 tấn; năm 2023, tổng diện tích nuôi biển tăng lên 23.168ha, sản lượng thu hoạch 87.214 tấn.

Theo đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, TP Phú Quốc là một trong những vùng nuôi biển của tỉnh. TP Phú Quốc là đảo có 150km đường bờ biển, nằm trong ngư trường rộng lớn của Biển Tây. Nơi đây có nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú, có giá trị cao, sản lượng lớn. Đây là tiềm năng, lợi thế để Phú Quốc phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Phú Quốc là đảo có diện tích 589,27km2, với 150km đường bờ biển, diện tích tiềm năng nuôi lồng bè trong phạm vi 3 hải lý của Phú Quốc khoảng 1.399km2, chiếm 43,6% diện tích tiềm năng nuôi biển của tỉnh; vùng nuôi thuỷ sản chủ yếu tập trung ở các xã Gành Dầu, Bãi Thơm, Dương Tơ, phường An Thới và quần đảo Thổ Chu. 

Năm 2006, sản lượng thủy sản của Phú Quốc đạt 59.937 tấn, chiếm 16% tổng sản lượng thủy sản của tỉnh, nhưng đến năm 2023, sản lượng thủy sản của thành phố khai thác được 198.161 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 930 tấn, sản xuất thủy sản của thành phố đạt 4.224 tỷ đồng. 

Nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phát triển bền vững, UBND TP Phú Quốc cho biết, hiện nay, thành phố đang triển khai việc nuôi trồng thay thế dần cho khai thác tự nhiên. Theo đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố tăng bình quân 11,2%/năm, diện tích nuôi trồng đạt 61ha và tổng số 550 lồng nuôi. Đối tượng nuôi phổ biến trên đảo là cá bớp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, ngọc trai và một số loài nhuyễn thể; trong đó cá bớp, cá mú được nuôi phổ biến nhất.

Nghề nuôi biển ở Phú Quốc vừa cho thu nhập cao, vừa kết hợp làm du lịch để phục vụ du khách nhằm tăng lợi nhuận. Trong đó, phải kể đến nghề nuôi trai lấy ngọc nhân tạo, đây là nghề được phát triển khá nhanh, góp phần phát triển du lịch, mang lại giá trị cao và thu hút nhiều du khách đến Phú Quốc. Hiện đã xuất hiện mô hình đầu tư du lịch kết hợp với nuôi biển ở Phú Quốc, như khu hỗn hợp du lịch kết hợp sản xuất ngọc trai, hỗn hợp du lịch và trung tâm giống thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái, bảo vệ, trồng rừng, bảo tồn tài nguyên biển, san hô… 

Để tập trung phát triển và đổi mới hình thức nuôi biển, hướng tới phát triển nghề nuôi biển bền vững, tỉnh Kiên Giang thực hiện mục tiêu phát triển nuôi ven biển, ven đảo và từng bước phát triển nuôi xa khơi. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi biển, tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống ở những địa phương có biển. Đồng thời, triển khai các đề tài, dự án, mô hình như mô hình nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng; mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE trên vùng biển Phú Quốc….

Mặt khác, ngành chức năng tỉnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và triển khai mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ghẹ xanh, ba khía, sò huyết, vọp, nghêu lụa, cá bóp, cá ngựa, cá trê suối Phú Quốc... Qua đó, đã góp phần phát huy thế mạnh trong sản xuất và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương vùng biển, đảo.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển, ngoài việc tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, tỉnh chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển.