Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp với biển, với chiều dài bờ khoảng 254 km, cùng hơn 4.000 phương tiện khai thác, là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển khai thác thủy sản xa bờ.

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 326.170 tấn, tăng 1,61% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 120.870 tấn, tăng 2,64% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng ước đạt 205.300 tấn, tăng 1,02% so cùng kỳ.

Hiện nay, tổng số tàu thuyền đăng ký là 4.076 phương tiện; trong đó, số lượng tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m là 1.123 phương tiện, tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.430 phương tiện, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 1.523 phương tiện.

nuôi thuỷ sản cà mau.jpg
Bên cạnh thế mạnh về khai thác thuỷ sản, Cà Mau còn khai thác tiềm năng để phát triển mạnh lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.

Để hoạt động khai thác thuỷ sản phát triển bền vững, thời gian qua, Cà Mau triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chống khai thác hủy diệt và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đẩy mạnh chuyển đổi nghề… Qua đó, hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản trong thời gian tới.

Tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương tiên phong trong nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, để quản lý tốt đội tàu khai thác, tỉnh Cà Mau đã chủ động nghiên cứu, đưa vào sử dụng thiết bị VMS từ sớm. 

Nhờ sử dụng hiệu quả thiết bị VMS và phần mềm số hóa, tỉnh Cà Mau đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng thiết bị VMS. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, không có tàu cá mà chủ tàu là người ở tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 64 vụ tàu cá vi phạm mất tín hiệu kết nối trên biển, với số tiền 5,2 tỉ đồng. 

Để “nói không với khai thác có tính chất hủy diệt”, “nói không với xung điện, kích điện”, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tích cực phát hiện, tố giác các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe; giám sát 100% sản lượng khai thác qua cảng cá và bến cá tư nhân. 

Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phan Hoàng Vũ, cho rằng, về lâu dài sẽ có các giải pháp chuyển đổi nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường tự nhiên sang các ngành nghề khác đảm bảo phù hợp nhu cầu, lợi ích và nguyện vọng của ngư dân nhằm tạo sinh kế ổn định cuộc sống cho người dân; đồng thời cũng phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Ngoài khai thác thuỷ sản xa bờ, Cà Mau cũng có tiềm năng và lợi thế rất lớn về phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, toàn tỉnh hiện có 303.000ha nuôi thuỷ sản, chiếm gần 30% diện tích nuôi thủy sản cả nước và 40% vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cà Mau được biết đến với thương hiệu Cua Năm Căn, đây là giống cua ngon nhất ở Cà Mau. Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030. Với diện tích trên 250.000ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng khoảng 25 nghìn tấn/năm; cua là một trong những sản vật được tin cậy cho tương lai kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp, trụ đỡ và thế mạnh trọng yếu của Cà Mau. 

W-cua cà mau.jpg
Tỉnh Cà Mau đã phê duyệt Ðề án phát triển bền vững nghề nuôi cua Cà Mau đến năm 2030 với diện tích trên 250.000ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm.

Ngoài cua, Cà Mau cũng là một trong những địa phương phát triển mạnh về nuôi tôm, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm. Hiện toàn tỉnh có khoảng 280.000ha diện tích nuôi tôm, chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Trong đó, có hơn 86.000ha sản xuất theo mô các mô hình tôm - lúa, tôm - rừng, tôm - cua – cá; gần 186.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến và 6.700ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Năm 2023, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 231 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 1,2 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tôm của tỉnh đạt 64.200 tấn, tăng 0,97% so cùng kỳ.

Nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững giai đoạn 2026-2029, tỉnh Cà Mau vừa có quyết định đầu tư Dự án phát triển thủy sản bền vững với quy mô 100 ha, dự kiến triển khai tại 4 huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân và Ngọc Hiển. Tổng mức đầu tư dự án là 536 tỷ đồng. Việc đầu tư dự án này nhằm thực hiện mục tiêu chung phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường thông qua xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất. 

Một trong những yếu tố để ngành thuỷ sản phát triển bền vững, tỉnh Cà Mau cũng chú trọng đến việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại các vùng ven biển, vùng nội đồng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các quy định về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân. Đồng thời, vận động các mạnh thường quân thả hơn 2 triệu con giống tôm sú, cá chẽm, cua biển… ra môi trường tự nhiên. 

Việc phát triển ngành thủy sản hiệu quả, bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng, góp phần phát triển kinh tế biển của Cà Mau và đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.