Kết quả này có được là nhờ thời gian qua tỉnh đã chú trọng cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, khai thác tiềm năng lợi thế từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn.

Qua đó, gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

W-kiengiang.png
Kiên Giang chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2024, tỉnh Kiên Giang thành lập mới 10 hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; duy trì, nâng cao, phát triển 396 hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả. Tỉnh hỗ trợ nhãn hiệu tập thể và truy xuất nguồn gốc nông sản cho hợp tác xã; sản xuất theo quy trình và giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; xúc tiến thương mại, làm trung gian, cầu nối giới thiệu doanh nghiệp với hợp tác xã hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm; trong đó, có 06 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn và Nước mắm Thanh Quốc), 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao với hơn 130 chủ thể. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm OCOP của tỉnh Kiên Giang có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Từ đó cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm.

Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã có 111/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

100% xã trong đất liền, các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.810/9.565 km, đạt tỷ lệ 71,2%. Hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống dân cư nông thôn ngày càng cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,7 triệu đồng/người (năm 2020), hiện nay tăng lên 57,8 triệu đồng/người.

"Nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển của tỉnh thời gian qua là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn. Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, chuyển đổi về phương thức sản xuất, mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân", ông Toàn nhấn mạnh