Chủ động chia sẻ khó khăn 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho biết, NHNN nhận được một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01/2020 về cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm miễn lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản vay của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Bên cạnh đó cần có chính sách nới rộng trần nợ công và tăng thêm cung dòng tiền để các ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc sử dụng ngân sách nhà nước cấp tiền, cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp. Nếu chậm trễ thì e rằng rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản, làm suy yếu nội lực của doanh nghiệp Việt Nam và ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đề nghị các ngân hàng không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà phải chia sẻ cùng doanh nghiệp và nhân dân. Ngành ngân hàng chia sẻ hơn nữa những khó khăn của nền kinh tế, chủ động giảm lãi suất đến mức có ý nghĩa, tái cơ cấu khoản vay…

Kiến nghị NHNN nên mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí phát sinh trước ngày 31/12/2021 (thay vì trước ngày 1/8/2021), cần cụ thể mức giảm lãi suất để các ngân hàng áp dụng. Ngành ngân hàng phát huy vai trò cơ chế bảo lãnh, quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ bảo trợ thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động…

{keywords}
Kiến nghị sử dụng ngân sách cấp tiền, cho vay ưu đãi doanh nghiệp

Tính đến cuối tháng 8, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM đã thực hiện hỗ trợ khách hàng cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đạt 1,616 triệu tỷ đồng. Thông qua Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực hiện cho 21.761 khách hàng vay 242.602 tỷ đồng; tiếp nhận 817 trường hợp phản ánh về các cơ quan sở ngành và đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lượng khách hàng này.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho 55 người sử dụng lao động vay hỗ trợ trả lương cho 8.182 lượt người, số tiền giải ngân hơn 33,23 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh…

Cho vay 312.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp 

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế - xã hội trong nước, NHNN Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã tổ chức triển khai quyết liệt, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đã đạt được nhiều kết quả. Nhìn chung, lãi suất cho vay tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung, dài hạn cũng như các hình thức hỗ trợ giảm lãi khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ...

Về giải ngân gói tín dụng 312.000 tỷ đồng nói trên, tính đến cuối tháng 8/2021, các ngân hàng đã giải ngân được 215.354 tỷ đồng cho 19.154 khách hàng. Tính chung đến thời điểm báo cáo, Chương trình Hết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã thực hiện được 216.571 tỷ đồng cho 19.278 khách hàng.

Đối với khách hàng trong khu chế xuất - khu công nghiệp của các ngân hàng trên địa bàn, tính đến cuối tháng 8/2021, dư nợ cho vay đạt 187.588 tỷ đồng, cho 3.399 khách hàng vay vốn, tăng 11,72% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 144.530 tỷ đồng, tăng 18,64%; dư nợ cho vay trung, dài hạn đạt 43.058 tỷ đồng, giảm 6,56%...

Ngoài ra, các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01, Thông tư số 03 và Thông tư số 14 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ ngành hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid -19…

Tổng dư nợ tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch trên địa bàn thành phố đến cuối tháng 8/2021 đạt 1,61 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 60% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Trong quý 3/2021, do phải thực hiện giãn cách xã hội nên tăng trưởng tín dụng tại TP. HCM chỉ đạt 0,76%. Lũy kế, 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cũng chỉ tăng 6,41% so với cuối năm trước.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các nội dung kế hoạch đã xây dựng, trong đó đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

"Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo nội dung Thông tư 14/2021/TT-NHNN," vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngoài các giải pháp sử dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện như hiện nay, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định cho phép các ngân hàng được khoanh nợ với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở cho vay mới, tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Bảo Anh