Kiến Thụy nằm ở phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng, có bờ biển dài 6,76km; có hai con sông lớn chảy qua là Văn Úc dài 12,8km và sông Đa Độ dài 20km; ngoài ra, đất bãi bồi ven sông, ven biển của huyện đã hình thành hơn 2000ha. Đây là tiềm năng lớn để Kiến Thuỵ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản trên biển.

anh bai 2.jpg
Người dân Kiến Thuỵ tăng cường mở rộng hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Huyện cũng xác định, nghề khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với phát triển kinh tế biển sẽ dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Đến nay, huyện đã quy hoạch và xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại bến cá Quán Chánh để phục vụ tốt hơn cho việc nuôi, trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ.

Những năm qua, ngành nuôi trồng và khai thác thủy hải sản là ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong nhóm ngành nông nghiệp của huyện Kiến Thuỵ. Theo đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân dân trong huyện mở rộng, năng suất cao gấp 2-5 lần so với nuôi truyền thống, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Các đối tượng sản phẩm thủy sản nuôi chủ lực, có tiềm năng phát triển của huyện là thủy sản nước lợ, cá nước ngọt. Sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện hàng năm tăng 10,14%/năm; giá trị nuôi trồng thủy sản tăng 9,56%/năm. 

Bên cạnh việc đầu tư, mở rộng nuôi trồng thuỷ hải sản thì hiện nay, ngành Nông nghiệp của huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường nước, nuôi trồng thủy sản theo các hình thức an toàn. 

Để giúp bà con có thêm kiến thức chăm sóc, phòng dịch bệnh, kỹ thuật chọn con giống chất lượng, gắn nuôi trồng, khai thác với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái trong nuôi trồng và khai thác thủy hải sản trên địa bàn đạt hiệu quả, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ hải sản. Từ đó khuyến khích các hộ nuôi thả áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. 

Đoàn Xá là một trong những xã có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển ngành kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Hiện, diện tích nuôi trồng thuỷ sản của xã là 108,7 ha. Các loại thủy sản được các hộ nuôi trồng theo phương thức thâm canh bao gồm: tôm thẻ chân trắng và các loại cá nước ngọt, nước lợ. Ngoài ra, xã cũng phát triển nghề đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện còn có 67 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, sản lượng khai thác 9 tháng năm 2023 đạt 1.748 tấn tôm, cá tép trắng.

Tại xã Tú Sơn hiện có diện tích nuôi trồng thủy hải sản là 189ha, chủ yếu là nuôi các loại cá trắm, chép, rô phi, tôm…. Những năm gần đây, nhiều nông dân nuôi trồng thủy hải sản trong xã đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt là từ khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã kiểm soát được dịch bệnh, nhất là hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường biển. Năm 2023, ước sản lượng nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn xã Tú Sơn đạt 1052 tấn/ha, doanh thu đạt 450 - 500 triệu đồng/ha/năm. 

Đối với nghề khai thác thủy hải sản trên biển, hiện nay toàn huyện Kiến Thuỵ có 121 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó 13 tàu đánh bắt xa bờ, số còn lại là phục vụ cho hoạt động khai thác ven bờ và nghề khác. 

Các tàu khai thác xa bờ từng bước được trang bị các thiết bị hiện đại như: Máy định vị, máy ra đa, máy thông tin liên lạc, máy cảnh báo thời tiết trên biển và dự báo ngư trường khai thác; Sản lượng khai thác mỗi năm tăng cao hơn so với năm trước. 

Nhằm góp phần thiết thực vào việc phát triển bền vững ngành thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân vươn khơi bám biển phát triển kinh tế lâu dài, nhất là việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một trong những giải pháp thiết thực để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, thời gian qua, huyện Kiến Thuỵ đã chung tay vào cuộc, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản đồng thời phối hợp với Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng trên địa bàn… làm tốt công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU đến ngư dân; tổ chức rà soát, nắm chắc các tàu, thuyền hiện chưa sang tên đổi chủ, báo cáo UBND huyện và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý. 

Phương Thúy và nhóm PV, BTV