Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu Bài 1: Kiệt sức mùa nước nổi trong loạt 3 bài Nhịp điệu dòng Lô của nhóm tác giả Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng.

Bài 2: Tươi xanh bên dòng Lô

Bài 3: Cần một cú huých

Ngày xưa, người thành Tuyên rất sợ hãi mỗi mùa nước lũ. Cứ ngỡ phải cam chịu cảnh ngập lụt triền miên nhưng điều kỳ diệu đã đến khi chàng trai trong truyện cổ tích bỗng vươn mình như “Thánh Gióng” chặn dòng nước thượng nguồn. Bọn trẻ chỉ còn thấy dòng Lô hiền hòa trong mùa mưa và cạn trơ đáy khi mùa thu, mùa đông về. Câu chuyện về dòng Lô hung dữ mùa lũ chỉ còn trong ký ức của những người già.

Bài 1: Kiệt sức mùa nước nổi

Ngày trước, mỗi mùa hạ đi qua, thành phố Tuyên Quang (ngày ấy là thị xã) tan hoang, kiệt sức. Thị xã buồn tẻ, xác xơ. Chẳng thế mà chúng tôi có dịp về Hà Nội gặp người quen họ vẫn hỏi, trên đấy có điện không, đi bằng xe ngựa à?

Sóng nước vạn chài

15 1 song.jpg

Ông Nguyễn Hữu Thọ, một vạn chài ở xóm nhà bè ở tổ 3, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang vẫn nhớ như in nước sông Lô cuốn trôi đi tất cả sau mỗi đợt lũ. “Xóm chài nhà tôi mất hết nhà cửa, hầu như năm nào cũng phải làm lại nhà vì nước lũ”, ông Thọ nói. 

Sống mãi như thế thành quen, ông Thọ và các hộ dân nhà bè chỉ mong sao bắt được tôm cá dưới sông về ăn qua tháng ngày, chứ thiết gì làm nhà cửa. Cứ làm nhà xong mùa này, đến mùa sau nước lũ nếu không cuốn phăng thì làm hư hỏng nặng. Tổ dân phố, phường đến vận động các hộ nhà bè lên bờ sinh sống, ai cũng nhận lời đấy nhưng chả đi vì nỗi nhớ sông nước. Dòng Lô ngày đó nhiều tôm cá, vạn chài chỉ quăng cái đó, cái đơm xuống một lúc là có cái ăn rồi, dễ sống lắm. Nhưng điều đó chưa hẳn là lý do để họ không từ bỏ cuộc sống sông nước nhọc nhằn. Sau mỗi mùa lũ, họ cùng nhau sửa sang nhà cửa, tiếp tục mưu sinh trên sóng nước.

Tôi và ông Thọ là bạn thân thiết, mỗi khi ông bắt được con cá ngon lại gọi tôi đến uống rượu. Người nhà bè uống rượu bằng bát, uống cho đến khi thấy ngôi nhà chao nghiêng chưa muốn dừng lại. Sau mỗi cuộc nhậu, ông Thọ lại nhảy tùm xuống sông lặn ngụp cho bay hết rượu thì thôi. Ông bơi như rái cá khắp các đoạn sông từ bến phà đến những cái ghềnh nổi giữa dòng. Ông bảo, mỗi lần bơi là tăng sức đề kháng cho cơ thể, rượu tan vào nước bốc hơi hết luôn. Mỗi khi bơi ông như được trò chuyện với dòng sông, thấy hồn mình ở đấy, vậy nên chẳng bao giờ ông muốn rời xa cuộc sống sông nước này cả. 

Có những câu chuyện mà cả cuộc đời ông Thọ nhớ mãi khi cứu vớt người buồn chán sự đời trẫm mình xuống dòng nước xiết. Người vạn chài vẫn nhắc nhở nhau, “không được cứu vớt người chết đuối, nếu cứu họ, mình sẽ phải đền mạng cho hà bá”. Nhưng ông Thọ đã bước qua lời nguyền để cứu họ. Có lần ông còn bị nạn nhân quát tháo “sao không để tôi chết đi, sống làm gì cho khổ”. Đó là cô gái trẻ, quẫn bách vì tình riêng nên đã bồng bột thế đấy. Ông từng cứu nhiều người như vậy nhưng chẳng thấy hà bá nào bắt mình hay người thân của mình đi cả. Ông bùi ngùi kể và cho rằng, vượt qua được những hủ tục con người sẽ sống tốt, tử tế với nhau hơn.

3 1vvvvv.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thọ từng cứu nhiều người đuối nước trên sông Lô.

Sống chung với lũ

Cũng như dân vạn chài, người phố tôi và bao phố khác ở thị xã những năm ấy chấp nhận cảnh sống chung với lũ mùa nước nổi. Có năm dăm ba trận lũ, nước sông Lô lên đến cốt 25 là thị xã ngập bủm rồi. Nhà nhà hò nhau chạy lũ, nhà này giúp nhà kia, xóm này giúp xóm kia chạy lũ như “chạy giặc”.

Người phố chả ai muốn xây dựng, sửa sang nhà cửa nữa, hễ sơn, vôi ve đẹp đẽ xong mấy bữa nước lụt lại bong tróc, lở lói hết. Phố xá bởi thế mà không phát triển được, giữa lòng thị xã có con hồ rộng mênh mông cũng chỉ để hoang, nhiều tuyến đường đất giữa đô thị, nước lũ rút nhầy nhụa như ruộng thụt.

Trận lũ kinh hoàng nhất là vào các năm 1969, 1971, 1986 và năm 2001, cả thị xã như một biển nước mênh mông. Khu nhà tôi ở những trận lũ bình thường nước chỉ đến tầng 1, nhưng năm đó nước xấp xỉ tầng hai. Thương nhất là mẹ tôi, bà suýt chết đuối vì cố giữ lấy con lợn nái. Cha tôi giục, “không nhanh lên nước nó cuốn đi cho rồi, chứ lợn với gà gì nữa”. Mẹ vẫn nhất quyết đưa con lợn nái lên tầng 2 ở chung với cả nhà. Con lợn nái sau bao mùa đẻ nhưng vẫn béo khỏe bởi được mẹ tôi chăm bẵm lắm. Nó ngoan ngoãn nghe lời khi mẹ tôi ủn mông nó bước lên cầu thang. Mẹ tôi năm nay ngoài 70 tuổi rồi nhưng vẫn nhớ mãi hình ảnh con lợn nái bì bõm bơi trong chuồng. Bà bảo, nó nhìn mẹ như cầu cứu, mẹ không đành lòng để nó trôi theo dòng nước lũ. Không có con lợn đó, sao nuôi các con ăn học nên người như hôm nay, mẹ cười hiền hậu.

Nước rút, tường nhà tôi bong hết, nền xi măng lột cả lên nhưng cha mẹ tôi cũng không thiết sửa sang lại. Ở các phố khác cũng vậy, người dân kiệt quệ hẳn đi sau mỗi mùa nước nổi. Bùn đất đầy nhà, sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Sống chung với lũ điều đó như là hiển nhiên với mỗi gia đình ở phố núi này nhưng nào ngờ mọi thứ xoay chuyển một cách diệu kỳ. 

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html