Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu Bài 2: Tươi xanh bên dòng Lô trong loạt 3 bài Nhịp điệu dòng Lô của nhóm tác giả Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng.

Bài 1: Kiệt sức mùa nước nổi

Bài 3: Cần một cú huých

Ngày xưa, người thành Tuyên rất sợ hãi mỗi mùa nước lũ. Cứ ngỡ phải cam chịu cảnh ngập lụt triền miên nhưng điều kỳ diệu đã đến khi chàng trai trong truyện cổ tích bỗng vươn mình như “Thánh Gióng” chặn dòng nước thượng nguồn. Bọn trẻ chỉ còn thấy dòng Lô hiền hòa trong mùa mưa và cạn trơ đáy khi mùa thu, mùa đông về. Câu chuyện về dòng Lô hung dữ mùa lũ chỉ còn trong ký ức của những người già.

Bài 2: Tươi xanh bên dòng Lô

Tỉnh Tuyên Quang có 5 dòng sông chảy qua, gồm: Sông Lô, sông Gâm, sông Năng, sông Phó Đáy và sông Chảy, trong đó sông Lô được xem là dòng sông lớn, với lưu lượng nước 373 m3/s. 

dong lo.jpg

Dòng Lô hợp lưu với dòng Gâm ở ngã ba Lô - Gâm thuộc xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tạo ra nguồn nước lớn phục vụ phát triển kinh tế, sinh hoạt cho người dân hai bên bờ. 

Khát vọng trị thủy

Xưa, về mùa mưa, nước sông Lô cuồn cuộn, hung dữ gây ra cảnh ngập lụt nặng nề ở vùng hạ du… Vậy nên, người quê tôi mới truyền nhau câu truyện dân gian về khát vọng trị thủy của chàng Tài Ngào. Rằng, năm nào ở vùng đất này cũng bị lũ lụt, gây ra bao khổ đau cho con người, có năm nước lũ to quá cuốn phăng đi cả ngôi làng, cướp đi mạng sống của bao người. 

Chàng Tài Ngào buồn bã, thương xót cho cảnh nhà mất con, vợ mất chồng. Hoàn cảnh ấy thôi thúc chàng thực hiện ý tưởng điên rồ: Chặn dòng nước đầu nguồn để không còn cảnh tang thương do lũ lụt nữa. Tài Ngào sức vóc cuồn cuộn hơn người xả núi lấy đá làm hồ tích nước sông, làm giảm đi lượng nước chảy xuống hạ du gây ra cảnh ngập lụt. Chàng làm mãi, làm mãi cho đến khi sức lực cạn kiệt, thân thể chàng hóa vào đá khi công việc vẫn còn dang dở. Nước vẫn dâng mỗi khi mùa hạ đến, bởi thế khát vọng trị thủy của người Tuyên Quang chưa khi nào dừng lại. Qua bao năm tháng, cuối cùng ước mơ đó đã thành hiện thực khi Tuyên Quang được Chính phủ đồng ý xây dựng công trình thủy điện tại huyện Na Hang chặn dòng sông Gâm hình thành con hồ rộng lớn trên 8.000 ha mặt nước. 

Công trình được xây dựng năm 2002 mở ra cơ hội lớn cho người dân vùng núi Na Hang, Lâm Bình khai thác vùng lòng hồ nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. Lòng hồ tích nước đã hạn chế nguồn nước lớn nhập vào sông Lô nên cả một vùng hạ du, trong đó thị xã Tuyên Quang không còn cảnh sống chung với lũ như bao năm trước nữa. Người người hồ hởi, nhà nhà vui mừng bởi khát vọng nghìn năm nay không còn là giấc mơ nữa rồi. 

Thành phố thơ mộng bên dòng Lô

Hồ thủy điện Tuyên Quang tích nước, dòng Lô trở nên hiền hòa đến kỳ lạ. Không còn cảnh ngập lụt, phố xá được mở mang, người dân xây cất nhà cửa to đẹp hơn, thị xã cuồn cuộn sức sống. Năm 2010, thị xã Tuyên Quang được nâng tầm lên thành phố và sau 10 năm thành phố được công nhận là đô thị loại II.

cau tinh huc.jpg
Cầu Tình Húc là một trong những cây cầu cầu bắc qua sông Lô đoạn thành phố Tuyên Quang.

Thành phố đã có dáng dấp đô thị hiện đại, văn minh với những công trình nhà cao tầng, dự án lớn được triển khai mở ra không gian sống hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Con phà xưa không còn nữa, giờ được thay bằng cây cầu lớn bắc qua sông Lô, nối đôi bờ thành Tuyên thơ mộng. Trên dòng Lô đoạn qua thành Tuyên giờ có đến 4 cây cầu lớn bắc qua, trong đó cầu Tình Húc được kết nối với đường dọc hai bờ sông, mang đến một rét riêng cho thành phố trẻ này. Hồ nước xưa kia bị bỏ hoang nay đã được cải tạo, xây dựng thành hồ công viên cây xanh Tân Quang. Hồ nổi bật với công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ - một trong 20 công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của cả nước. 

tuyen quang.jpg
Các công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng trên hồ công viên Tân Quang.

Sức cuốn hút của hồ Tân Quang còn bởi kiến trúc độc đáo của Bảo tàng tỉnh với hình thái kiến trúc cổ, gồm 1 mái chính ở giữa và 4 hệ mái dốc tại 4 góc nhà, chắc khỏe, bố trí theo hình vuông có cắt vát 4 góc tạo không gian cho tất cả các hướng nhìn từ hồ công viên. 

Du khách đến với thành phố trẻ này không khỏi trầm trồ khi tham quan Quảng trường Nguyễn Tất Thành nằm sát bên dòng Lô. Quảng trường được xây dựng trên nền đất sân vận động cũ, nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân thị xã Tuyên Quang năm 1961 khi Người về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III. Quảng trường có cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đền thờ Bác Hồ và hệ thống cây xanh trùng đẹp. Năm 2022, Quảng trường Nguyễn Tất Thành được Ban Tổ chức Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” công nhận là dự án cảnh quan xuất sắc – Tinh hoa núi rừng. Anh Nguyễn Đình Chiến, du khách từ Hà Nội, cho rằng đây là công trình kiến trúc độc đáo, nằm sát bên dòng sông Lô thơ mộng, rất ý nghĩa và thú vị. Viếng đền thờ Bác, thăm quảng trường rồi thưởng ngoạn dòng Lô lịch sử mang đến cho anh sự thư thái kỳ lạ.

tuyen quang.jpg
Quảng trường Nguyễn Tất Thành thơ mộng bên dòng Lô

Đó là niềm vinh dự lớn của người dân Tuyên Quang, mở ra không gian sinh hoạt cộng đồng ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách. Bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban Quản lý Quảng trường Nguyễn Tất Thành cho rằng, Quảng trường Nguyễn Tất Thành là điểm nhấn quan trọng trong hành trình của du khách di đến Tuyên Quang. Trung bình mỗi năm, Quảng trường đón khoảng gần 300 nghìn lượt khách tham quan, tạo việc làm cho nhiều lao động với việc phát triển các loại hình dịch vụ.

Thành Công, Tôn Dương, Minh Hoa, Huy Hoàng

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html