Kính áp tròng có khả năng kết nối không dây tới điện thoại di động và đồng hồ thông minh (smartwatch) để truyền phát các thông tin sức khỏe, sắp trở thành hiện thực nhờ một công nghệ mới.
Công nghệ có tên gọi "truyền tin liên phân tán" hoạt động bằng cách biến các tín hiệu Bluetooth do đồng hồ phát ra thành các tín hiệu truyền phát wifi mà smartphone có thể thu nhận được. Công nghệ này về cơ bản chiếm đoạt một tín hiệu và sử dụng nó để giúp vượt qua đòi hỏi về năng lượng đối với nhiều thiết bị nhỏ, chẳng hạn như những mô cấy não, kính áp tròng và thẻ tín dụng.
Gửi dữ liệu có thể nhanh chóng tiêu tốn lượng lớn năng lượng, nên chúng ta cần các giải pháp thay thế để giúp những thiết bị nhỏ giao tiếp với các máy tính và smartphone.
Vikram Iyer, kỹ sư điện tử đến từ trường Đại học Washington (Mỹ), người dẫn đầu nghiên cứu, giải thích: "Kết nối không dây đối với các thiết bị cấy ghép có thể làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta kiểm soát những căn bệnh mạn tính. Chẳng hạn như, kính áp tròng có thể giám sát lượng đường huyết trong nước mắt của bệnh nhân tiểu đường và gửi các cảnh báo tới điện thoại của họ khi đường huyết giảm xuống".
Nghiên cứu của ông Iyer và cộng sự là công trình đầu tiên chứng minh các thiết bị giới hạn về năng lượng có thể "trò chuyện" với những máy tính khác thông qua kết nối wifi tiêu chuẩn. Điều này thực hiện được nhờ một kỹ thuật thông tin liên lạc có tên gọi là tán xạ lệch, cho phép các thiết bị trao đổi thông tin bằng cách phản xạ các tín hiệu đã có.
Theo tiến sĩ Vamsi Talla, đồng tác giả nghiên cứu, thay vì phải tự phát ra các tín hiệu wifi, công nghệ mới tạo ra wifi bằng cách lợi dụng việc truyền tín hiệu Bluetooth từ các thiết bị di động gần đó, chẳng hạn như smartwatch. Họ gọi đây là công nghệ "truyền tin liên phân tán".
Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã dùng một chiếc smartwatch để truyền tín hiệu Bluetooth tới một kính áp tròng có gắn ăng-ten. Họ đã biến tín hiệu Bluetooth thành một dạng tín hiệu có thể mã hóa dữ liệu như tín hiệu wifi.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố, công nghệ của họ có thể được ứng dụng để chế tạo các loại thử tín dụng thông minh mới, cho phép chúng truyền tin trực tiếp với nhau và do đó giúp các khách hàng chuyển tiền cho nhau chỉ bằng cách chạm vào thẻ. Nó cũng có khả năng cho phép mọi người chia sẻ tiền thanh toán hóa đơn bằng cách chồng các thẻ lên nhau trên một chiếc bàn.
Trong lĩnh vực y học, ngoài kính áp tròng, nhóm nghiên cứu cũng chế tạo một thiết bị ghi thần kinh cấy ghép được, có khả năng truyền tin trực tiếp với smartphone và smartwatch. Thiết bị có thể dùng như mô cấy ghép não để điều trị những căn bệnh như Parkinson hay động kinh.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)