Nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và đề xuất định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Kon Tum thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tăng lên về quy mô. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, vận động thành lập, củng cố HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có 01 Liên hiệp HTX và 181 HTX nông nghiệp, tăng 17 hợp tác xã, giảm 01 HTX, đạt 99.4% kế hoạch năm 2023. Chất lượng của các HTX nông nghiệp đã được nâng lên, cán bộ thành viên đã nhận thức được nhu cầu và mục đích tham gia HTX. Nhiều HTX đã chủ động liên doanh liên kết với các HTX và doanh nghiệp khác để gia tăng dịch vụ của HTX.
Cùng với đó, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành HTX nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, trong tổng số tổng số 550 cán bộ quản lý Hợp tác xã nông nghiệp, có 220 người qua đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp, đạt 40%; qua đào tạo cao đẳng, đại học là 290 người, đạt 52,7% tổng số cán bộ quản lý của HTX nông nghiệp. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, có gần 900 lượt cán bộ quản lý của HTX nông nghiệp được tập huấn, nâng cao trình độ năng lực quản lý điều hành hoạt động của HTX.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, trên địa bàn đã có nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Điển hình HTX Đông trùng hạ thảo - thành phố Kon Tum, HTX Bắc Tây Nguyên Farm, HTX Công bằng Pô Cô, HTX Sáu Nhung - huyện Đăk Hà, HTX rau hoa và du lịch Thanh Niên - huyện Kon Plông, HTX Rạng Đông - huyện Đăk Tô, HTX Đoàn Kết - huyện Sa Thầy,...
Hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp không ngừng được cải thiện. Tính đến cuối năm 2023, doanh thu bình quân khoảng 1.035 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Theo kết quả đánh giá phân loại HTX cuối năm 2022 có 63 HTX nông nghiệp được đánh giá xếp loại tốt, khá hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát triển HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Còn nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít, quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm.
Mặc dù đã có một số mô hình HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhưng còn ở mức thấp, tỷ lệ sản phẩm tham gia liên kết; số lượng HTX có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 10,7% tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp.
Hiện năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, các HTX nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút cán bộ trẻ, có năng lực để tham gia quản lý điều hành; HTX thiếu vốn kinh doanh, giá trị tài sản thấp và khó tiếp cận tín dụng...
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung, phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn nói riêng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển HTX trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cho cả cán bộ, cấp ủy đảng, chính quyền và người dân; Tập trung tuyên truyền về các mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu, có truyền thống phát huy vai trò cộng đồng, trách nhiệm xã hội và các lợi ích cho thành viên; các cách làm hay, mô hình sáng tạo, các mô hình HTX hiệu quả gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác đào tạo nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX, nhất là đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh; thu hút nhân lực đã qua đào tạo, có kiến thức, nhân lực trẻ về làm việc cho HTX; Hỗ trợ thúc đẩy thúc đẩy HTX nông nghiệp tham gia liên kết với doanh nghiệp và các hộ nông dân; Đẩy mạnh hỗ trợ HTX nông nghiệp kết nối thị trường đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi giá trị; Khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản...