Ngày nay, việc trẻ em tiếp xúc với môi trường Internet đã trở nên phổ biến. Trẻ em sử dụng mạng xã hội theo nhiều cách, từ nhắn tin cho bạn bè, làm quen và trò chuyện với những người bạn mới đến chia sẻ cuộc sống hàng ngày và thậm chí cả việc học tập.
Song, môi trường này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ như bị theo dõi vị trí, trộm cắp danh tính, hack tài khoản, thông tin cá nhân... Trẻ em cũng mất đi sự riêng tư, thậm chí bị bắt nạt trên mạng.
Thêm vào đó, khi dành quá nhiều thời gian trên mạng, trẻ có thể bị mạng xã hội chi phối dẫn đến thay đổi hành vi như: nghiện sử dụng điện thoại, máy tính; tự cô lập và cách ly mình khỏi đời sống xã hội; giảm khả năng giao tiếp hoặc kỹ năng xã hội; chỉ có bạn bè trực tuyến; thường xuyên cáu gắt, cảm thấy lo lắng hay có dấu hiệu trầm cảm...
Hiện nay, hầu hết các nền tảng lớn như Instagram và TikTok chỉ cho phép người từ 13 tuổi trở lên được thiết lập tài khoản. Nhưng thực tế là nhiều trẻ truy cập mạng xã hội khi còn rất nhỏ và tiếp xúc với nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi.
Khi xem xét các quy tắc tham gia mạng xã hội dành cho thanh thiếu niên, cha mẹ nên tính đến sự trưởng thành và hiểu biết về kỹ thuật số của con mình. Điều quan trọng là cha mẹ và trẻ em phải trò chuyện về việc sử dụng mạng xã hội và đặt ra các nguyên tắc cho việc sử dụng nền tảng này.
Cha mẹ phải hướng dẫn con mình sử dụng mạng xã hội đúng cách, giúp chúng hiểu về những mối nguy hiểm và cạm bẫy trên mạng trước khi bắt đầu tạo tài khoản của riêng mình. Theo các chuyên gia của Kaspersky, có một số nguyên tắc phụ huynh nên tuân thủ để tránh được những tác động xấu của mạng xã hội đối với trẻ em.
Theo đó, cha mẹ cần hiểu về nền tảng truyền thông xã hội con mình đang sử dụng, trong đó có giới hạn độ tuổi hợp pháp được sử dụng, chính sách quyền riêng tư. Hãy đảm bảo rằng ngày sinh, địa chỉ email, số điện thoại và địa chỉ của trẻ không thể truy cập công khai.
Khi thích hợp, hãy sử dụng quyền kiểm soát của phụ huynh trên thiết bị và tài khoản mạng xã hội của con mình. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm thực sự - chứ không phải xâm phạm quyền riêng tư - đến những người bạn trực tuyến và hoạt động của con trên mạng.
Từ đó thảo luận về những điều thích hợp để chia sẻ trên mạng xã hội vì mọi thứ trực tuyến đều tồn tại vĩnh viễn, ngay cả khi nó bị xóa. Đồng thời dạy trẻ cách xác định các tài khoản giả mạo, cách nhận biết bắt nạt trực tuyến và những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra.
Phụ huynh cũng nên nói chuyện với trẻ về tầm quan trọng của việc duy trì tình bạn trực tiếp và các tương tác xã hội trong cuộc sống thực song song với trực tuyến, cũng như giá trị của thời gian không có công nghệ hoặc không có máy tính/điện thoại thông minh.
Ngoài ra, cha mẹ cần giải quyết những tác động của mạng xã hội đối với trẻ em bằng cách trò chuyện về sức khỏe tâm thần, bắt nạt trên mạng, cảm giác bị cô lập và nhu cầu so sánh.
Cha mẹ cũng có thể cân nhắc những yêu cầu như: hạn chế trẻ em sử dụng mạng xã hội ở những khu vực chung trong nhà; theo dõi tài khoản của trẻ em và giám sát hoạt động trực tuyến; đặt giới hạn thời gian hàng ngày cho việc trẻ sử dụng mạng xã hội; tắt cài đặt GPS để tắt tính năng theo dõi và gắn thẻ vị trí.
Trong một số hướng dẫn dành cho phụ huynh về phương tiện truyền thông xã hội, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra lời khuyên về việc đặt ra các quy tắc cho trẻ em trong một "hợp đồng" mà cả cha mẹ và con cái đều ký. Các quy tắc này bao gồm:
Chỉ tạo tài khoản nếu trẻ đủ tuổi hợp pháp.
Sử dụng biệt danh hoặc sửa đổi tên thật của họ.
Chỉ sử dụng mạng xã hội vào những thời điểm nhất định trong ngày và ở nhà.
Không chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại hoặc địa chỉ.
Yêu cầu sự đồng ý của mọi người trước khi đăng ảnh và gắn thẻ (tag) chúng.
Chỉ kết nối và trò chuyện với những người trẻ biết ngoài đời.
Chỉ đăng bài sau khi rời khỏi một địa điểm để đảm bảo sự riêng tư và an toàn của bản thân.
Sử dụng mật khẩu mạnh và thay đổi chúng thường xuyên để bảo mật tài khoản.
Tôn trọng người khác và không tham gia vào hành vi bắt nạt trên mạng.
Sử dụng cài đặt quyền riêng tư cấp cao trên tài khoản xã hội.
Không gặp trực tiếp những người lạ chỉ mới trò chuyện qua mạng. Nếu trẻ đi gặp những người này, cần có người lớn đi cùng và chọn địa điểm ở nơi công cộng, đông người.
Có thể nói, bên cạnh các quy tắc đặt ra từ các bậc phụ huynh như trên thì các biện pháp giáo dục, rèn luyện từ các tổ chức xã hội, nhà trường hay các quy định pháp luật đã được Chính phủ ban hành để bảo vệ trẻ em trên mạng cũng vô cùng quan trọng nhằm đưa ra các kiến thức, kỹ năng bảo vệ cho trẻ em. Từ đó, giúp các em có đủ thông tin để bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm trên mạng xã hội.
Lam Giang