Trong số các phương tiện truyền thông được sử dụng để truyền thông dự thảo chính sách thì các phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều ưu thế nhất hiện nay.
Để thực hiện được các kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện truyền thông đại chúng đòi hỏi phải có đủ các điều kiện sau.
Trước hết là điều kiện về pháp lý. Các dự thảo chính sách phải nằm trong danh mục được yêu cầu lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật Việt Nam, không thuộc nội dung bí mật nhà nước, được các cơ quan xây dựng dự thảo đề nghị các phương tiện truyền thông đại chúng tổ chức.
Tiếp đó là điều kiện về nhân lực: Có lực lượng truyền thông dự thảo chính sách chuyên trách, được đào tạo cơ bản kiến thức và kỹ năng về truyền thông, tuyên truyền, công tác tư tưởng và chính sách công.
Đồng thời cần đáp ứng cả điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất: Có các phương tiện truyền thông đại chúng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cùng đội ngũ kỹ thuật, thời gian, kinh phí bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt.
Nhằm giúp những người làm truyền thông chính sách làm chủ các phương tiện truyền thông đại chúng, thành thục kỹ năng sử dụng các phương tiện này, vừa qua, Khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã hoàn thiện nghiên cứu chuyên đề “Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng”, với khá nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Chẳng hạn, về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách trên báo in. Hiện nay trên hầu hết các tờ báo in đều có chuyên trang, chuyên mục về chính sách, pháp luật. Việc đăng tải dự thảo chính sách lên báo không mấy khó khăn. Tuy nhiên, do dung lượng chuyên mục có hạn, không thể đưa toàn văn dự thảo chính sách lên báo mà cần phải sáng tạo các thông điệp truyền thông sao cho việc tiếp nhận của công chúng một cách tự nhiên, dễ tiếp thu nhất.
Để tăng cường hiệu quả truyền thông dự thảo chính sách trên báo in, có một số “bí quyết” cơ bản.
Chẳng hạn, khi chọn vấn đề, nội dung để viết tin, bài, nội dung truyền thông phải là những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong dự thảo chính sách có tính chất tiêu biểu, có ý nghĩa quan trọng trong từng phạm vi, từng thời điểm. Đây phải là những nội dung hoàn toàn mới mẻ, nóng hổi tính thời sự, có nhiều quan điểm trái chiều. Ví dụ: dự thảo quy định về tuổi nghỉ hưu dài hơn, việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn trong chương trình phổ thông trung học; quy định về tiêu chuẩn phong hàm phó giáo sư, giáo sư với những yêu cầu cao hơn quy định trước đây... Cần tránh xu hướng viết tin, bài chỉ nêu tên, giới thiệu qua loa về một số nội dung của dự thảo chính sách, không có tính chất gợi mở, gây tò mò, tranh luận.
Lựa chọn cách thể hiện cũng là một kỹ năng cần trau dồi. Nội dung dự thảo chính sách được thể hiện dưới hình thức tin, bài phù hợp sẽ làm tăng tính hiệu quả của thông tin. Ban đầu, với các chính sách mới, nhạy cảm cần thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận thì nên lựa chọn thể loại tin. Đối với những nội dung lớn, phức tạp, có tính chuyên môn cao, cần trình bày một cách chi tiết, phân tích, nhìn nhận, đánh giá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau thì lựa chọn thể loại bài. Tiếp đó, cần phải căn cứ vào mục đích thông tin để lựa chọn thể loại tin, bài cho phù hợp.
Về thu thập thông tin, khác với tin, bài thông thường, khi làm tin, bài về dự thảo chính sách, bên cạnh việc nắm chắc nội dung của dự thảo, cần phải thu thập luận cứ, luận chứng đầy đủ để bảo vệ hoặc phản biện một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, báo chí không làm thay công chúng mà chủ yếu phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp đối với dự thảo chính sách. Tùy theo tính chất của vấn đề cần thông tin, người làm truyền thông phải thu thập được những luận cứ, luận chứng, sự kiện, số liệu chính mà thiếu nó thì tin, bài không thể đứng vững được. Bên cạnh đó, cũng cần thu thập các số liệu, sự kiện phụ giúp làm sáng tỏ, tăng sức thuyết phục cho các sự kiện, số liệu chính.
Đối với báo điện tử, về cơ bản các thao tác truyền thông dự thảo chính sách được tiến hành như trên báo in, nhưng cần chú ý thêm một số nội dung sau:
Nên sử dụng công nghệ hỗ trợ trong sản xuất tin bài như báo chí dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) - tiêu biểu là Chat GPT để sáng tạo nội dung nhanh chóng, kịp thời, nhất là với các chính sách mang tính khuôn mẫu. Điểm cần lưu ý khi sử dụng AI trong truyền thông dự thảo chính sách là phải bảo đảm thông tin chính xác, chính thống, ngôn từ chuẩn xác và đúng văn phong của văn bản pháp luật.
Nên sử dụng thông tin đồ họa (infographic), gói truyền thông đa phương tiện giúp thông tin trở nên dễ hiểu, người đọc tiếp nhận dễ dàng, nhanh chóng.
Nên tăng cường tương tác thông qua bộ câu hỏi đính kèm, bình chọn, bản đồ, hình ảnh tương tác, dòng thời gian, ảnh trượt, câu chuyện đa hướng đi, bộ đếm, trò chơi báo chí, ứng dụng tin tức, bình luận, liên kết… Những kỹ năng cụ thể này cần phải được đào tạo một cách chuyên sâu hơn.
Đối với phát thanh, truyền hình, ngoài các bản tin được trình bày gần như trên báo in, truyền thông dự thảo chính sách còn có thể thông qua các cuộc tọa đàm, trao đổi, các phóng sự nhằm tận dụng ưu thế về âm thanh và hình ảnh để thu hút người nghe, người xem.