Bỏ việc nghìn USD vì đam mê giày

Năm 2018, đang là kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty nước ngoài, anh Đinh Thanh Phong (Hà Nội) quyết định nghỉ việc để đi học chuyên sâu về giày da trước ánh mắt nghi ngờ của bạn bè.

"Khi ấy ai nhìn vào cũng nghĩ tôi công việc tôi ổn định, lương cao, thu nhập có tháng trên 20 triệu đồng. Nhưng tôi nghĩ cứ lao đầu đi làm, cuối tháng đợi nhận lương, cuộc sống lặp đi, lặp lại một cách nhàm chán và thấy không hài lòng lựa chọn như vậy", anh Phong cho biết.

Vốn đam mê giày tây nên mỗi ngày đi làm, anh Phong đều "diện" lên người chiếc quần âu, áo sơ mi và luôn trung thành với giày tây. Thấy vậy, chủ một quán cafe khuyên Phong đi bán giày và sẵn sàng giới thiệu "khách sộp" cho anh. Tuy nhiên, nam thanh niên không muốn bán giày mà muốn làm việc đánh giày.

"Trên thế giới, nghề đánh giày đã được hình thành và nâng tầm từ khá lâu. Còn ở Việt Nam, mọi người bán giày nhiều nhưng không ai chăm sóc giày cả. Nghĩ là làm, ngay buổi trưa hôm đó, tôi lập trang fanpage đầu tiên với cái tên "Tiệm Đánh Giày" và sau này khi khởi nghiệp, những vị khách đầu tiên của tôi đều từ quán cafe đó", anh Phong chia sẻ.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 1

Đang là kỹ sư công nghệ thông tin, anh Đinh Thanh Phong (Hà Nội) quyết định nghỉ việc để theo đuổi công việc đánh giày.

Những ngày đầu khởi nghiệp, do không có kinh nghiệm nên để nắm chắc phần thắng, anh Phong cùng lúc duy trì 2 công việc. Sáng anh vẫn đi làm văn phòng, chiều tan làm nhận giày về đánh cho khách.

"Lúc đó tôi ham lắm, tối nào cũng ngồi ở bàn làm việc trong góc phòng ngủ đánh giày cho đến nửa đêm. Ngày nào cũng lặp lại như vậy, những đôi giày buổi chiều nhận của khách bằng mọi giá đêm đó tôi phải đánh cho xong để sáng hôm sau kịp trả hàng", anh Phong kể.

Vừa làm vừa học hỏi, sau vài tháng khởi nghiệp anh Phong nhận ra ở Việt Nam mọi người chỉ quen đánh giày ở vỉa hè, không ai biết chăm sóc đôi giày thế nào cho đúng. Và rồi ý tưởng mở một tiệm đánh giày "chuẩn chỉ" nung nấu trong anh mỗi ngày.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 3

Mỗi ngày, anh Phong miệt mài bên những đôi giày.

Anh chia sẻ câu chuyện với bạn bè nhưng bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người thấy "sốc", không tin chàng kỹ sư thông tin bỏ công việc lương tháng nghìn USD để đi... đánh giày.

"Mọi người nghi ngờ. Có người chất vấn tôi, bảo giá đánh đôi giày 10.000 đồng mà bỏ việc lương 20 triệu đồng/tháng, có đáng không? Nhưng tôi vẫn kiên quyết với sự lựa chọn của mình", anh Phong nói.

Bạc tóc với những đôi giày trăm triệu

Thời gian đầu bắt tay với công việc đánh giày, khó khăn đến với anh Phong không phải là tiền bạc mà chính là những đôi giày hàng hiệu. Có những món đồ giá trị rất lớn, bởi vậy khi nhận lời làm cho khách, anh luôn thận trọng và nâng niu.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 5

Công việc IT và đánh giày khiến anh thanh niên ngoài 30 tuổi đã bạc tóc.

"Ai cũng nghĩ công việc này tầm thường, đơn giản, nhưng thực tế khi chuyển sang nghề này tôi đã phải tự làm mới bản thân, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Gần như không được phép để xảy ra sai sót, bởi có những đôi giày giá trị rất lớn. Chỉ cần một chút sai sót, vừa phải đền tiền, tiệm cũng mất uy tín. Có những đôi giày giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng, tôi cầm trên tay mà... run, không biết làm gì vì sợ hỏng đồ", anh giải thích, để khách hàng tin tưởng gửi gắm những đôi giày như vậy không phải chuyện dễ dàng.

Khi công việc đánh giày bắt đầu có thu nhập ổn định, cuối năm 2019, anh Phong và hai người bạn hừng hực khí thế chuẩn bị thuê địa điểm để mở tiệm đánh giày. Nhưng chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến, hai người bạn của anh từ bỏ vì không còn nhìn thấy tương lai.

"Khi đó, tôi tự bơi theo đúng nghĩa đen. Đứa con tinh thần của mình giờ bỏ không đành nhưng tiếp tục duy trì thì quá khó khăn. Mấy tháng trời doanh thu gần như không có, trừ hết chi phí vận hành, trả lương nhân viên, còn đúng 2 triệu đồng trong ví.

Khó khăn kéo dài, ở nhà con nhỏ, có lúc tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ, nộp hồ sơ xin việc tại một cửa hàng đồ hiệu nổi tiếng nhưng thất bại vì hai bên không cùng quan điểm", anh Phong chia sẻ.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 7

Anh Phong chia sẻ, cầm trên tay những đôi giày hàng hiệu giá trị lớn không được phép để xảy ra sai sót.

Từ một người không hiểu gì về đồ hiệu, để có kinh nghiệm phong phú như hiện tại, anh Phong mất gần 1 năm vừa làm, vừa học tại một cửa hàng nổi tiếng về đồ hiệu. Tiếp đó, anh dành thêm 6 tháng đến các xưởng đồ da handmade để học.

Trải qua quá trình tự học và đúc rút kinh nghiệm, anh kỹ sư IT năm xưa giờ đây đã trở thành một người đánh giày chuyên nghiệp và là chủ một cửa tiệm chăm sóc giày da cao cấp.

"Mọi người biết đến tôi với chuyện bỏ việc IT để đi đánh giày, tháng kiếm hơn 100 triệu nhưng đâu phải thế. Tôi học công nghệ thông tin, nếu không tìm hiểu về hàng hiệu, không học may thì làm sao có thể làm được như bây giờ.

Phải học hỏi nhiều thì khi khách mang đồ đến tiệm mới có thể biết đôi giày đó như thế nào, làm bằng chất liệu gì, có sửa chữa được hay không rồi tư vấn cho khách một cách phù hợp nhất", anh Phong cho biết.

Nâng tầm nghề đánh giày

Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, tiệm đánh giày của anh Phong đã thu hút được lượng lớn khách hàng trong và ngoài nước. Anh cũng là nhân vật nổi tiếng khắp các nền tảng mạng xã hội khi làm clip chia sẻ công việc hằng ngày.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 9

Sau 6 năm khởi nghiệp, anh Phong xây dựng cho mình thương hiệu riêng và tạo thêm thu nhập cho các bạn trẻ có cùng đam mê đồ da.

Mỗi ngày, anh Phong nhận khoảng 15-20 đơn hàng, riêng dịp lễ Tết, mỗi ngày số lượng đơn cần xử lý tăng lên khoảng 30, có lúc anh phải từ chối bớt khách vì quá tải.

"Tôi chỉ tập trung vào phần việc mình giỏi nhất là chăm sóc đồ da. Rất nhiều khách mang giày thể thao đến, dù hoàn toàn có thể làm được, tôi vẫn từ chối và giới thiệu cho những tiệm chuyên giày thể thao.

Nếu nhận nhiều đơn có thể kiếm thêm nhiều tiền nhưng sẽ không kịp làm trả cho khách đúng hẹn. Tôi cũng quyết không chạy theo số lượng để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của tiệm mình", anh nói.

Hiện tại, tiền công đánh giày ở tiệm của anh Phong là 150.000-250.000 đồng/đôi tùy nhu cầu của khách. Lý giải về mức giá đắt gấp 10 lần so với đánh giày vỉa hè, anh Phong cho biết, khách hàng sẵn sàng xuống tiền bởi được trải nghiệm những dịch vụ chăm sóc giày cầu kỳ, chưa từng có.

Kỹ sư bỏ việc lương nghìn USD về đánh giày, kiếm hơn 2 tỷ đồng/năm - 11

Không chỉ nâng niu từng đôi giày da, mà các vật dụng gắn liền với quá trình khởi nghiệp đều được anh Phong giữ gìn cẩn thận từ cây độn giày đến chiếc giẻ lau cũng tiền triệu.

Anh cho biết, đôi giày giá trị vài triệu đồng hay cả trăm triệu đều được phục vụ với cùng một mức giá, không phân biệt "sang, hèn".

"Hiện tại mỗi tháng tôi có thể kiếm gần 200 triệu đồng nhưng khi lựa chọn theo đuổi nghề này, tôi muốn mọi người, ai cũng có thể nhận được dịch vụ chăm sóc giày tốt hơn việc đánh giày ngoài đường.

Với tôi, kiếm tiền quan trọng nhưng hơn hết tôi muốn công việc hiện tại có thể giúp thay đổi thói quen sử dụng giày da của người Việt Nam và mở hơn nữa là đồ da nói chung", anh Phong chia sẻ.

Theo Dân Trí