Tôi tin, phần đông người đọc tìm đến báo chí mỗi ngày không chỉ để xem tin tức rồi buôn chuyện cùng nhau mà còn là để được lay động, được lây lan, được tin hơn nữa vào những điều tốt đẹp đang diễn ra hàng ngày quanh họ.
Gần 1 triệu thí sinh vừa trải qua một kỳ thi nóng nhất- quan trọng nhất đời mình: Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Những ngày này, có dịp đi qua các điểm thi mới thấy người Việt mình yêu con đến nhường nào. Những ông bố, bà mẹ bỏ cả việc nhà, việc cơ quan, công ty để đưa con đi thi, trong khi con được ngồi phòng điều hoà, quạt điện mát mẻ để thi thì cha mẹ nhiều người chỉ kịp trú tránh dưới bóng cây, nơi hiên nhà. Mà ai bảo kẻ đi thi với người chờ đợi ngoài kia ai “hại não” hơn ai???
Người Việt thương con như thành một nhiễm sắc thể định sẵn trong cơ thể rồi vậy. Nên dù chẳng phải con mình đi thi, nhiều cha mẹ khác vẫn tới các điểm thi mà chia sẻ cái nóng bằng tấm lòng thơm thảo của mình. Như khoảnh sân nhà ông Phạm Anh Tài ngụ tại quận 2, TP HCM, trong suốt 4 năm qua, ông Tài và hội phụ huynh trường THPT Giồng Ông Tố dùng nó để nấu nướng và phát tặng hàng ngàn suất cơm miễn phí cho các thí sinh hai điểm thi gần đấy THPT Giồng Ông Tố và THPT Thủ Thiêm. Mỗi suất cơm ấy nặng những ân tình, dậy những thơm thảo người đối với người- bậc cha chú với lũ trẻ.
Hay như ở Sóc Trăng- một bản tin của báo Tuổi Trẻ viết về 10 chiến sỹ công an huyện Mỹ Tú- Sóc Trăng nấu 150 suất cơm miễn phí dành tặng các em đi thi. Nghĩa cử nhỏ bé mà dư hương cứ ngất ngây người đọc. Vừa bảo vệ các điểm thi, hỗ trợ các phụ huynh và thí sinh, vừa tất bật nấu cơm cho 150 thí sinh, những chiến sỹ công an ấy đẹp đẽ đến nhường nào. Làm sao không kể đến các thầy cô nữa- những người trực tiếp chia cùng lo lắng với các bậc cha mẹ kể cả khi học trò của họ không có mặt trong kỳ thi này.
Thùy Linh tình nguyện cõng bạn Mai Loan lên - xuống phòng thi ở tầng 5. Ảnh: Dân trí |
Tôi có khá nhiều những người bạn đang là giáo viên, từng là giáo viên, đọc những gì họ chia sẻ trên trang cá nhân mạng xã hội, mà vẫn đau đáu thương học trò. Như thầy Hoàng Khắc Tuấn- giáo viên Ngoại Ngữ trường THPT Quế Phong- Nghệ An dành phòng mình cho học trò ở trọ miễn phí. Thầy còn tự đi chợ, nấu ăn miễn phí cho học trò trọ học tại nhà mình. Như cô Phạm Thị Hương, giáo viên Văn trường THPT Cẩm Xuyên Hà Tĩnh cùng 8 cô giáo khác lập ra bếp ăn miễn phí ngay tại nhà mình. Rồi hội phụ nữ Thủ Thừa- Long An cùng nhau nấu đến 600 suất ăn miễn phí cùng nước suối phục vụ thí sinh bằng nguồn tài chính tự đóng góp với nhau.
Đọc hàng trăm những bình luận “Tự hào Việt Nam”- “cảm ơn những tấm lòng vàng”… của mọi người dưới mỗi bài viết, hẳn đó là sự ghi nhận- tôn vinh mà không gì sánh nổi. Hay như ở Cà Mau, những chuyến xe miễn phí ngược xuôi lan toả trái tim- nhiệt huyết từ chính các sinh viên- những người trẻ đã từng được nhận lòng tốt trước kia…
Kỳ thi này, giữa hàng trăm bài báo tường thuật về một kỳ thi cam go, những câu chuyện dung dị nhẹ nhàng kiểu này, những hình ảnh sinh viên tình nguyện cõng em thí sinh đang bó bột chân lên tận tầng 3 rồi chờ đợi để cõng xuống mới thực sự ấn tượng, thực sự cảm động.
Hay câu chuyện đang “gây sốt” về cô nữ sinh 18 tuổi Nguyễn Hoàng Phương Thuỳ Linh cõng bạn mình Khổng Thị Mai Loan- cô bạn bị bại liệt từ năm 3 tuổi leo 5 tầng gác đi thi. Hàng trăm ngàn lượt chia sẻ khiến mạng xã hội lan toả đi lòng tốt đến thiết tha.
Những câu trả lời của nữ sinh Nguyễn Hoàng Phương Thuỳ Linh nghe mới thật xúc động: "Mình sợ bố bạn tìm không ra. Với cả, quanh chỗ đó không có nơi nào ngồi được. Bạn ấy không đi được cũng không đứng được nên thôi mình cõng bạn ấy luôn. Không nặng đâu ạ, bạn ấy bé nhẹ lắm". Hồn nhiên và ấm áp quá!
Mỗi năm, cứ đến mùa thi, chúng ta lại gặp nhiều hơn, nhiều hơn nữa những câu chuyện này. Năm sau nhiều hơn năm trước, việc tiếp sức mùa thi được nhân rộng và lôi kéo đông đảo hơn nữa sự tham gia. Tôi tin rằng điều tử tế, tốt đẹp có sức lây lan rất mạnh cũng là từ sau mỗi mùa thi vậy. Tôi tin, phần đông người đọc tìm đến báo chí mỗi ngày không chỉ để xem tin tức rồi buôn chuyện cùng nhau mà còn là để được lay động, được lây lan, được tin hơn nữa vào những điều tốt đẹp đang diễn ra hàng ngày quanh họ. Để thấy được bầu trời trên kia xanh cao trong veo chứ không phải bầu trời dưới rãnh nước bẩn dưới này xám xịt.
Nó không chỉ khiến chúng ta thấy yêu đời hơn mà còn truyền đi cảm hứng tích cực. Để một lúc nào đó, gần thôi, chính ta cũng sẽ trở thành một phần góp với những điều tốt đẹp ấy!
Và cuối cùng, các em thí sinh năm nay, kỳ thi dù mang đến cho em kết quả nào, xin hãy nhớ đừng quên những tấm lòng thơm thảo mà không chỉ bố mẹ, thầy cô các em đã làm cho em mà còn là cả những câu chuyện ngát hương này nữa!
Hoàng Anh Tú