- Trả lời New York Times, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hối thúc việc Mỹ xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN để hai nước tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.

Cái bắt tay thân mật của Phó Thủ tướng với Ngoại trưởng Mỹ

Tại cuộc họp báo sau hội đàm chiều nay với Phó Thủ tướng VN, Ngoại trưởng Mỹ cho hay một trong những nội dung trao đổi là về hợp tác an ninh, đặc biệt về an ninh biển.

"Tại hội nghị ASEAN vừa rồi, một số nước tuyên bố chủ quyền đã đồng ý dừng mở rộng và cải tạo các đảo đã chiếm đóng ở Biển Đông, đây là những diễn biến tích cực. Mỹ cũng đã thúc giục TQ tham gia việc này để giải quyết các tranh chấp bằng pháp lý", ông Kerry nói.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết hôm nay hai nước VN - Mỹ cũng đang làm việc để thúc đẩy an ninh khu vực. Mỹ chào đón VN tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ, khi mà nhu cầu toàn cầu đang tăng lên.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, cần nhớ rằng quan hệ giữa hai nước được như hôm nay không phải nhờ tránh né những vấn đề khó, mà nhờ việc hai bên sẵn sàng cùng nhau làm việc để giải quyết các vấn đề. 

{keywords}

"Những nhà lãnh đạo tôi đã gặp trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, người Mỹ, người Việt, những quân nhân, đều đã đưa ra những quyết định khó khăn nhưng đúng đắn. 

Có những trở ngại rất lớn đối với việc hòa giải, cần có thiện chí và tầm nhìn từ cả hai bên để vượt qua chúng. Hôm nay, chúng ta đã làm được, từ chỗ chiến tranh, giờ chúng ta cùng học tập, làm ăn, xây dựng hòa bình. VN không còn là một cuộc chiến, mà là một đối tác của Mỹ", ông Kerry nói.

Nhân quyền tiến bộ 

TTXVN: Cuộc đàm phán TPP tại Hawaii vừa qua không đi đến được một thỏa thuận cuối cùng, ông đánh giá thế nào về triển vọng hoàn tất TPP trong thời gian tới?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn những vấn đề tồn đọng, mà hôm nay chúng tôi đã thảo luận những vấn đề liên quan đến VN. Các nước khác cũng có những vấn đề phải giải quyết trong những ngày tới để hy vọng TPP sẽ được hoàn tất trước cuối năm nay.

Điều quan trọng là chúng ta nên tập trung nghĩ về TPP như một cơ hội để nâng cao tiêu chuẩn kinh doanh toàn khu vực về lao động, môi trường, qua đó thúc đẩy thương mại ở khu vực đang chiếm 40% thương mại toàn cầu.

AFP: Ngoại trưởng có nói cải thiện nhân quyền sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hai nước, vậy Mỹ muốn VN làm những gì trong lĩnh vực nhân quyền? Và thưa Phó Thủ tướng, VN sẵn sàng làm những gì để cải thiện nhân quyền?

Ông Kerry: Hai nước đã thảo luận thường xuyên và thẳng thắn về vấn đề này, ngay từ khi mới bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ. 

{keywords}

Khi gặp Chủ tịch nước sáng nay, ông Trương Tấn Sang đã nhìn tôi và nói nhân quyền cũng chính là điều chúng tôi muốn cung cấp cho người dân, muốn thay đổi. Dù có thêm gia TPP hay không, đó vẫn là điều mà ông muốn giải quyết.

Chúng tôi đã thấy có những tiến bộ trong lĩnh vực này ở VN trong những năm qua: VN vừa phê chuẩn Công ước LHQ về chống tra tấn, sửa đổi và thông qua các luật để cụ thể hóa Hiến pháp 2013 như bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, cải cách tư pháp...

TPP cũng đề cập đến yêu cầu về công đoàn độc lập. Lĩnh vực này vẫn có không gian để tiếp tục tiến bộ, Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục VN. Và đây cũng là vấn đề có ý nghĩa trong việc xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN.

Về vấn đề Biển Đông, Mỹ lo ngại sâu sắc việc quân sự hóa, lấn đảo, đồng tình phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ngoại giao hoặc thông qua tòa án quốc tế. Nhưng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước còn nhiều hơn thế.

Việc VN tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là một bước tiến quan trọng, khi mà LHQ đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn lực cho công tác này. Hai nước cũng có thể hợp tác về an ninh hàng hải, cứu trợ nhân đạo, đối phó thiên tai, vấn đề người tị nạn trên biển...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Ở VN, mọi chính sách đều đặt con người ở trung tâm phát triển, hết sức coi trọng và thúc đẩy quyền con người. 

{keywords}

Một trong những lĩnh vực đã và đang đã làm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, cụ thể là Hiến pháp 2013 có chương riêng về quyền con người.

VN đang tích cực hoàn thiện các luật liên quan đến quyền con người cụ thể trong Hiến pháp và các công ước quốc tế, ví dụ sửa bộ luật Hình sự hay soạn thảo luật về lập hội...

VN đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, phê chuẩn công ước về chống tra tấn, người tàn tật, cho thấy VN hết sức quan tâm thúc đẩy quyền con người. Nhưng giữa VN với các nước, vấn đề quyền còn người vừa có tính phổ quát, vừa có tính đặc biệt, tùy thuộc sự phát triển, sự khác biệt về văn hóa. 

VN sẵn sàng, đã và đang đối thoại với các nước về nhân quyền, trong đó có Mỹ, trao đổi những vấn đề còn khác biệt, chia sẻ kinh nghiệm để làm tốt hơn, hoàn thiện hơn các chính sách về quyền con người.

VietNamNet: Đối với dự án ĐH Fulbright VN, đến nay hai bên đã có những bước đi cụ thể nào để sớm thực hiện nội dung hợp tác quan trọng này?

Ông Kerry: Những việc quan trọng nhất đã làm xong, như cấp giấy phép và bắt đầu xây dựng. Đại diện ĐH Fulbright VN hôm nay cũng đã thông tin về các ngành đào tạo dự kiến của trường. 

ĐH Fulbright VN không phải là để so sánh với các trường ở VN, mà để so sánh với các ĐH hàng đầu trên thế giới, sẽ là ĐH tầm quốc tế, gắn bó với ĐH Harvard, thúc đẩy giáo dục tự quản, tự do học thuật, sinh viên có thể học tiếp ở nước ngoài, có các học bổng để sinh viên không giàu cũng học đươc, chỉ cần có ước vọng.

Ông Phạm Bình Minh: Hợp tác giáo dục là nhu cầu của cả hai bên, đặc biệt là VN để có nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa và hội nhập. Hiện đang có hơn 17 nghìn sinh viên VN học tập tại Mỹ.

Chính phủ VN rất quan tâm, nêu dự án này trong Tuyên bố chung khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ, cũng như trước đó năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, cho thấy VN rất cọi trọng việc xây dựng một ĐH tiêu chuẩn quốc tế ở VN. Trong chuyến thăm Mỹ vừa rồi của Tổng bí thư, đích thân Bí thư Thành ủy TP.HCM đã trao giấy phép cho ông Thomas Valely để xây dựng trường.

New York Times: Trong hợp tác về an ninh quốc phòng, VN mong muốn gì từ phía Mỹ?

Ông Phạm Bình Minh: Vấn đề còn lại là Mỹ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với VN. VN mong Mỹ sớm xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm này để hai nước tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng cả song phương và đa phương, vì VN coi trọng vai trò của Mỹ trong đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Ngoại trưởng John Kerry

Tại buổi tiếp Ngoại trưởng John Kerry chiều nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 
khẳng định chủ trương của VN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Mỹ và các bên tham gia đàm phán khác nhằm sớm hoàn tất Hiệp định TPP.

Tổng bí thư cũng hoan nghênh những đóng góp tích cực của Mỹ và cá nhân Ngoại trưởng John Kerry tại Diễn đàn Khu vực ASEAN và các hoạt động liên quan vừa qua nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh chuyến thăm VN của ông góp phần thực hiện những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng bí thư. 

Chung Hoàng - Phạm Hải - Đức Yên - Bạt Tuấn - Hồng Nhì