Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cuối tuần này sẽ bắt đầu chuyến công du chính thức tới Đông Nam Á. Bà dự kiến sẽ ​​hạ cánh xuống Singapore vào ngày 22/8, trước khi đến Việt Nam vào ngày 24/8 và trở về Mỹ vào ngày 26/8.

Theo CNBC, chuyến thăm của bà Harris sẽ nối tiếp những cuộc gặp cấp cao của các quan chức Mỹ với lãnh đạo các nước Đông Nam Á. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines hồi cuối tháng 7, còn Ngoại trưởng Antony Blinken cũng có cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp trong khối ASEAN vào đầu tháng này.

{keywords}
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

Chính quyền Tổng thống Joe Biden từ lâu đã xem việc tăng cường quan hệ với Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ. Không chỉ là nơi sinh sống của hơn 660 triệu dân với một số nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh, khu vực này còn nằm cạnh Biển Đông - tuyến đường vận chuyển quan trọng, nơi lưu thông của hàng nghìn tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm

Theo Angela Mancini, chuyên gia phân tích thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty tư vấn Control Risks, so với thời của người tiền nhiệm Donald Trump, Tổng thống Joe Biden và đội ngũ của ông đã có sự cân nhắc kỹ càng hơn về mối quan hệ của họ với Đông Nam Á.

Bà Mancini giải thích rằng, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đang là vấn đề “số một” trong các chính sách đối ngoại được lưỡng đảng tại Mỹ đồng thuận, chính quyền Tổng thống Biden nhận thức rõ các nước Đông Nam Á sẽ không bao giờ lựa chọn ngả hẳn về một trong hai nước.

“Chính quyền Tổng thống Biden đã khẳng định vai trò của Mỹ tại Đông Nam Á sẽ bao gồm việc xử lý nhiều vấn đề, chẳng hạn như công tác phòng chống dịch Covid-19. Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nhất bằng quan hệ đối tác và sự tham gia tích cực từ nhiều phía”.

Những ưu tiên của Mỹ tại Đông Nam Á

Cũng theo bà Mancini, khi lựa chọn Singapore và Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris tại Đông Nam Á, Washington đã thể hiện rõ việc ưu tiên các cơ hội kinh tế và an ninh tại khu vực này.

Về mặt kinh tế, bà Mancini nhận định thương mại sẽ là cách "tự nhiên nhất" để Mỹ có thể củng cố vị thế ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, các vấn đề chính trị trong nước lại đang là trở lực lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp ước thương mại quan trọng có sự tham gia của nhiều nước Đông Nam Á.

Các nước còn lại vẫn đàm phán và ký kết hiệp ước trên với tên gọi mới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2018, song theo Alex Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, "Mỹ khó có khả năng gia nhập CPTPP trong ngắn hạn”, do nó vẫn vấp phải sự phản đối của công chúng Mỹ, và rất khó có cơ hội được quốc hội thông qua.

Tuy vậy, ông Feldman cho rằng Mỹ vẫn có thể đạt được các thỏa thuận về kinh tế kỹ thuật số với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Triển vọng của hiệp định thương mại kỹ thuật số

Một thỏa thuận tập trung vào nền kinh tế kỹ thuật số đặt ra các quy tắc và tiêu chuẩn về thương mại kỹ thuật số giữa các nước tham dự, chẳng hạn như lưu trữ dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Chúng tôi cho rằng, một thỏa thuận song phương với Singapore sẽ rất có ý nghĩa trong việc thiết lập các quy tắc đối với tiến trình hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số, thứ đang ngày càng trở thành trọng tâm phát triển của nhiều nước châu Á”, Alex Feldman nhận định.

Tuy nhiên, dù có nhiều “lý do chính đáng” để Mỹ theo đuổi và dẫn đầu một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số, thì việc Washington thuyết phục các nước khác cùng tham gia là điều không hề dễ dàng.

Theo bà Deborah Elms, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Asian Trade Centre, những thỏa thuận như vậy không phải là mới. Chúng đã được thể hiện qua các sáng kiến kỹ thuật số có trong CPTPP, hay trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực do Trung Quốc khởi xướng.

"Mỹ sẽ cần một cơ sở lý luận rõ ràng và đủ sức thuyết phục để triển khai một thỏa thuận thương mại khác, và nó cũng cần tạo ra những giá trị gia tăng cho các thành viên tiềm năng. Nếu không, chúng sẽ trở thành những hiệp định mà rất ít bên muốn tham gia", bà Deborah Elms nhận định.

Việt Anh

Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách của ông Biden

Đông Nam Á và Việt Nam trong chính sách của ông Biden

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tới Đông Nam Á sẽ càng trở nên đặc biệt với nhiều thông điệp chính trị quan trọng.