Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đồng thời góp phần nâng tỷ lệ học sinh DTTS đạt yêu cầu của chương trình lớp 1 vào cuối năm học cũng như đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS 6 tuổi nhằm trang bị cho học sinh chuẩn bị vào học lớp 1 vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu...

Trong suốt tháng 7 vừa rồi, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Lạc Dương đã tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1.

Huyện Lạc Dương cho biết, huyện có gần 70% học sinh là con em đồng bào DTTS, nhằm thực hiện tốt đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, những năm qua, ngành Giáo dục huyện đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện.

Theo đó, ngành đã huy động tối đa trẻ 4, 5 tuổi học mẫu giáo và thực hiện chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo; tăng thời lượng dạy học tiếng Việt lớp 1 cho học sinh DTTS theo hướng điều chỉnh kế hoạch từ 350 tiết lên 500 tiết; triển khai áp dụng tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường”, tăng cường tiếng Việt thông qua các môn học cho học sinh lớp 1, 2, 3... 

Bên cạnh đó, ngành còn xây dựng và đảm bảo môi trường tiếng Việt trong các trường tiểu học, tạo không gian làm quen với tiếng Việt trong lớp học như tranh ảnh, đồ chơi... giúp học sinh DTTS luôn thuộc từ vựng tiếng Việt khi nhìn vào. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ học sinh nói, viết tiếng Việt; góc ngôn ngữ tiếng Việt; giao lưu tiếng Việt giữa các lớp, các khối, các trường theo chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”...

Đặc biệt là việc tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 6 tuổi người DTTS trước khi vào học lớp 1. Ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ 6 tuổi người DTTS trên địa bàn tham gia các lớp tăng cường tiếng Việt. Đồng thời, khuyến khích các bậc phụ huynh nói tiếng Việt để tạo cơ hội cho con em mình được sử dụng tiếng Việt nhiều hơn trong giao tiếp hàng ngày; tạo môi trường giao tiếp, tham gia vào các hoạt động giáo dục trẻ, xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng... Đây được xem là bước chuẩn bị hành trang hữu ích giúp các em học sinh là người DTTS bước vào lớp 1 mạnh dạn, tự tin và có vốn tiếng Việt cần thiết trước khi bước vào năm học mới.

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; thực hiện văn bản số 6203/KH-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện đề án nhằm trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị vào học lớp 1 vốn tiếng Việt cơ bản, tối thiểu để các em có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt trong môi trường lớp học, nâng tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình lớp 1.

Thanh Nga và nhóm PV, BTV