Trong những năm qua, UBND tỉnh Lai Châu cùng các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè cùng với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến. Chủ động, tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè. Xúc tiến đầu tư, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tìm kiếm đối tác đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè… Nhiều sản phẩm chè có chất lượng đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có 8.888 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 6.931 ha, sản lượng từ đầu năm 2022 đến nay khoảng 32.500 tấn, đạt 67,7% kế hoạch.
Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Tỉnh có 211 ha chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, chiếm 2,4% tổng số diện tích chè toàn tỉnh, trong đó có 60 ha được chứng nhận VietGAP; 25,96 ha chè được chứng nhận hữu cơ và 125,57 ha chè được chứng nhận RA.
Toàn tỉnh có 92 cơ sở chế biến chè, trong đó có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã và 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên...
Tuy vậy, ở một số vùng chè, công tác chăm sóc, thâm canh theo quy trình kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết... Vấn đề này gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh.
Để có giải pháp khắc phục những bất cập trên, sáng 12/7 UBND tỉnh tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè tỉnh Lai Châu trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đề xuất với UBND tỉnh về các giải pháp trong quản lý, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, xây dựng các tiêu chuẩn thực hiện; định hướng phát triển các sản phẩm chè trong thời gian tới đảm bảo tiếp cận được các thị trường trong và ngoài nước; đảm bảo các quy định của pháp luật và phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh…
Nhấn mạnh: “Hiếm có tỉnh nghèo nào như Lai Châu mà dám chi ngân sách “khổng lồ” cho phát triển nông nghiệp, trong đó có cây chè”, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra một số yêu cầu nhằm khắc phục và xử lý những bất cập đang tồn tại.
Cụ thể: Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, quản lý thâm canh theo hướng an toàn.
Thành lập Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tổng thể lại quá trình phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh ở các góc độ: Toàn bộ quy trình, tiêu chuẩn, kỹ thuật sản xuất, thâm canh; tổ chức liên kết hình thành vùng nguyên liệu; hợp đồng liên kết, thu mua, chế biến; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; buôn bán, cung ứng thuốc vật tư bảo vệ thực vật...
UBND các huyện, thành phố tổ chức và phát động các phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trồng chè thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã. Nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ, chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu. Quản lý chặt chẽ sử dụng vật tư đầu vào trong vùng nguyên liệu (như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).
Đẩy mạnh áp dụng và tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè (VietGap, hữu cơ...). Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường…
Xây dựng vùng nguyên liệu an toàn. Tăng cường thu hút doanh nghiệp có tiềm lực trong chế biến, xuất khẩu vào tỉnh để nâng cao năng lực chế biến và tìm kiếm thị trường; ưu tiên thu hút đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất, chế biến sâu…
Quỳnh Nga