Những kết quả quan trọng đánh dấu bước ngoặt thay đổi
Sáng 02/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phân tích các Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh Lai Châu năm 2022 và Công bố Chỉ số Cải cách hành chính, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương tỉnh Lai Châu năm 2022.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu tỉnh đến điểm cầu cấp huyện và cấp xã với sự tham dự của: Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xác định Chỉ số Cải cách hành chính; lãnh đạo UBND, lãnh đạo UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các ban, ngành liên quan của 3 cấp; các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai, thực hiện các Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số PAPI…
Theo dự thảo báo cáo, các chỉ số đánh giá công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục đánh dấu những bước ngoặt cho sự thay đổi và phát triển của tỉnh, Cụ thể như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu năm 2022 đạt 86,29 điểm, xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 79,34%, xếp vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 hạng so với năm 2021; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt 42,69 điểm, xếp vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao của cả nước, cao nhất khu vực các tỉnh Tây bắc, tăng 3 bậc so với năm 2021.
Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo và những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự chung tay, vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, các chỉ số đánh giá công tác cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Ông Tống Thanh Hải nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là tập trung cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” trong chính quyền các cấp, lan tỏa đến từng cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp để triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, các cấp, các ngành bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai tích cực, đề xuất các sáng kiến mới, các chủ trương biện pháp duy trì, cải thiện chỉ số và nâng cao các Chỉ số. Tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; Chương trình chuyển đổi số quốc gia và các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Thực hiện công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng, phân loại chính quyền cơ sở, kết quả xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức và kết quả khắc phục các tồn tại về công tác phòng chống tham nhũng đối với cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp tăng cường giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ...