Tỉnh Lai Châu cách Hà Nội khoảng 400 km; có 8 huyện, thị, 108 xã, phường, thị trấn, dân số trên 40 vạn người. Lai Châu là vùng đất có 20 dân tộc anh em gồm: Thái, Tày, Nùng, Giáy, Lào, Lự, Việt (Kinh), Mường, Khơ Mú, Mảng, Kháng, Hà Nhì, Cống, La Hủ, Si La, Phù Lá, Lô Lô, H’Mông, Dao và Hoa.
Với địa hình núi cao trên 1.000 m, tỉnh Lai Châu là nơi tập trung diện tích rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ quanh năm, dưới tán rừng có một số loài cây dược liệu quý như sâm Lai Châu, thảo quả... Trong đó, sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 m – 2.200 m so với mặt nước biển, cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ thường được dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress.
Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và Quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khoẻ là rất lớn. Việc khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi, mở ra cơ hội để tỉnh Lai Châu đẩy mạnh phát triển dược liệu quý Sâm Lai Châu.
Theo báo cáo hiện trạng, tiềm năng chính sách hỗ trợ và kế hoạch, định hướng phát triển Sâm Lai Châu, trải qua gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng như: Thực hiện bảo tồn 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng hơn 21.000 cây mô hình; cây sâm Lai Châu đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng; xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản Sâm Lai Châu.
Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn ha, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu… đến năm 2045, mở rộng vùng trồng lên trên 10 nghìn ha, xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm…
Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại Lai Châu và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu”; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây Sâm Lai Châu.
Theo đó, quá trình phát triển sâm Lai Châu cần phải phù với xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, phát triển sâm phải gắn với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác liên quan; cần đưa chuỗi giá trị vào để sâm Lai Châu phát triển được bền vững.
Lai Châu đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đặt ra bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, Hợp tác xã và Doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cùng chung tay đồng lòng phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu, chia sẻ những bí quyết trồng sâm.
Hiệp hội Sâm Lai Châu và các thành viên Hiệp hội liên kết với người dân tổ chức trồng, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Lai châu, tiến tới ngành công nghiệp Sâm Lai Châu.
Nghiên cứu mở rộng phát triển sâm trong nhà màng, nhà lưới. Tạo ra được thị trường giống và thị trường sâm rộng đạt chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước...
Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức sớm năng hướng dẫn thủ tục cấp mã vùng trồng cho người trồng sâm, mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng. Thực hiện tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm Sâm Lai Châu. Ban hành sớm kê khai giá để đánh giá đúng giá trị của Sâm Lai Châu; triển khai các quy trình tiến tới xuất khẩu Sâm Lai Châu, tổ chức Lễ hội sâm gắn với sự tích về sâm và văn hóa các dân tộc và phát triển du lịch. Xây dựng các hợp tác xã đầu tầu trong phát triển sâm tại các bản trồng sâm để thực hiện tốt công tác liên kết với doanh nghiệp.
Hồ Nhi