Nắng nóng khiến hoá đơn tiền điện "nhảy cao" cực điểm
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo tại miền Bắc, miền Trung lại diễn ra đợt nắng nóng gay gắt mới, bắt đầu từ ngày 16.6 và kéo dài khoảng 1 tuần.
Từ ngày 16.6, nắng nóng bắt đầu xảy ra cục bộ ở Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Giang, vùng núi Thanh Hoá đến Quảng Trị và các tỉnh dọc Thừa Thiên Huế đến Phú Yên. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ, có nơi trên 38 độ.
Cao điểm nhất là từ 19 - 21.6, một số nơi trong đó có Thủ đô Hà Nội có thể lên đến 39 - 40 độ, nắng nóng đặc biệt gay gắt. Đây là nhiệt độ khí tượng, các mức nhiệt ngoài trời, trên các bề mặt vật liệu dẫn nhiệt còn có khả năng cao hơn.
Nắng nóng kéo dài làm tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao, thậm chí có thể tiếp tục lập đỉnh mới.
Gia đình chị Ngô Hạnh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết vừa nhận được hoá đơn tiền điện tháng 5 với số điện năng tiêu thụ lên tới 600kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay. Tiền điện phải trả hơn 1,7 triệu đồng, trong khi đó, những tháng đầu năm 2021, gia đình chị Hạnh chỉ trả tiền điện khoảng 600.000 - 700.000 đồng.
"Bình thường mỗi tháng, gia đình tôi chỉ đóng hơn 600.000 đồng tiền điện do chỉ có hai vợ chồng. Nhưng thời gian này, tiền điện bắt đầu tăng mạnh do nắng nóng kéo dài, cộng thêm việc hai đứa con đang được nghỉ hè, sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hoà, tivi, tủ lạnh", chị Hạnh nói.
Theo chị Hạnh, do tiêu thụ điện tăng cao nên chỉ số điện của gia đình chị đã vọt lên bậc 6. Riêng số tiền mà chị phải trả cho bậc 6 đã hơn 700.000 đồng.
Dự báo tiêu thụ điện tăng đột biến trong những ngày nắng nóng. Ảnh: EVN |
Tương tự, ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết, tháng 5 gia đình ông nhận được hóa đơn tiền điện tăng cao. Theo ông Mạnh, gia đình ông không lắp thêm thiết bị mới nhưng tiền điện tháng 5 vọt lên 1 triệu đồng, trong khi tháng 4 chỉ hơn 600.000 đồng.
Tiêu thụ điện được dự báo tiếp tục tăng cao đột biến
Trước tình trạng tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, theo tính toán cụ thể của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60 - 70% tổng số lượng điện năng tiêu thụ.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khi bật điều hoà chỉ nên đặt ở mức 27 độ trở lên và nên sử dụng kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Trong tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay thì các cơ quan Y tế cũng khuyến cáo hạn chế dùng điều hòa, thay vào đó cần mở cửa sổ, tăng cường sử dụng quạt để lưu thông không khí.
"Trong thời gian từ đầu tháng 5 trở lại đây, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang có những diến biến phức tạp, nhưng tình hình tăng trưởng phụ tải điện vẫn ở mức cao.
Ở đợt nắng nóng vào đầu tháng 6 vừa qua đã ghi nhận những ngày có mức tiêu thụ điện cao kỷ lục với mức phụ tải đỉnh toàn quốc trong ngày lên tới 41.558 MW và sản lượng điện tiêu thụ trong ngày toàn quốc là hơn 880 triệu kWh. Mức tiêu thụ điện của toàn miền Bắc và TP Hà Nội cũng ghi nhận những số liệu cao kỷ lục mới trong đợt nắng nóng đầu tháng 6 vừa qua", EVN cho biết.
Với tình hình thời tiết nắng nóng tại miền Bắc, miền Trung diễn ra từ ngày 16.6 làm tiêu thụ điện được dự báo lại tiếp tục tăng cao đột biến, EVN tiếp tục khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài việc sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chúng ta cũng không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với ngày bình thường.
(Theo Lao Động)
Thói quen hằng ngày tưởng vô hại là thủ phạm khiến hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Tiết kiệm điện năng luôn là một bài toán khó mà nhiều gia đình phải đau đầu suy nghĩ.