Lãi suất huy động đi ngang
Những ngày gần đây, lãi suất cho vay liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh. Theo số từ Ngân hàng Nhà nước, trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 (4-7/5), mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì mức cao so với cuối tháng 4. Trong đó, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường vào ngày 7/5 ở mức 1,21%; kỳ hạn 1-2 tuần lần lượt là 1,35% và 1,41%. Như vậy, so với một tháng trước đây, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng gần 5 lần, còn các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng khác cũng tăng khoảng 2-3 lần.
Trong khi lãi suất cho vay liên ngân hàng có xu hướng tăng thì mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay nhìn chung vẫn không thay đổi.
Lãi suất huy động của một số ngân hàng đầu tháng 5 này biến động trái chiều, trong khi một số ngân hàng tăng thì một số nhà băng khác lại giảm. Song đa phần ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm so với tháng trước.
Các ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm tháng 5/2021 theo hướng tăng nhẹ là SHB, PGBank, Vietcapital Bank và ACB. Cụ thể, so với đầu tháng 4, lãi suất tiết kiệm tháng 5 của SHB đã tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn. PGBank cũng tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 và 3 tháng lên 3,7%/năm. Còn Vietcapital Bank tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6 tháng lên 5,9%/năm. Tại ACB, lãi suất huy động tăng 0,05-0,3 điểm phần trăm tùy theo từng kỳ hạn.
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng như MBBank, Kienlongbank, NamABank... lại điều chỉnh giảm nhẹ ở một vài kỳ hạn. Đơn cử, tại NamABank, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1-3 tháng giảm 0,05 điểm phần trăm, còn lãi suất huy động ở kỳ hạn 9 tháng giảm tới 0,5 điểm phần trăm. Kienlongbank giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn khoảng 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước. MBBank cũng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng như VietBank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VIB, ACB, VPBank, MSB vẫn giữ nguyên lãi suất tiết kiệm so với tháng trước. Đáng chú ý, lãi suất tiền gửi của 4 "ông lớn" ngân hàng là VietinBank, Agribank, Vietcombank và BIDV vẫn giữ mức ổn định so với tháng trước, trong đó, mức lãi suất tiền gửi cao nhất là 5,6%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5 vẫn đi ngang, chưa biến động nhiều. Một số ngân hàng tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động nhưng chỉ ở mức tăng, giảm nhẹ.
Một số chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tăng, giảm đan xen ở các ngân hàng là diễn biến bình thường, tùy vào nhu cầu huy động vốn của mỗi ngân hàng ở từng giai đoạn. Động thái tăng lãi suất đầu vào của một vài nhà băng chỉ mang tính chất cục bộ, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành. Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào, xu hướng chung của các ngân hàng thương mại vẫn là giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Theo biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước vào ngày 6/5, lãi suất huy động có sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm ngân hàng. Ở một số kỳ hạn, lãi suất huy động có thể chênh tới 2,55%/năm. Lãi suất tiết kiệm gửi online thường cao hơn từ 0,1-0,2%, thậm chí có ngân hàng trả cao hơn 0,5% so với khi gửi tại quầy.
Cụ thể, với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng, lãi suất tiết kiệm cho khách hàng gửi tại quầy ở mức 2,85-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.
Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động gửi tại quầy được niêm yết trong khoảng 3-4%. VietBank và GPBank là hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất tối đa 4%/năm ở kỳ hạn này. NamABank và SCB có mức lãi suất huy động thấp hơn một chút (3,95%/năm). Trong khi đó, các ngân hàng hàng lớn lại đưa ra mức lãi suất huy động rất thấp. Đơn cử, Vietcombank chỉ 3,2%/năm; Agribank là 3,55%/năm; Techcombank chỉ 3,3%/năm...
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 3,8-6,25%. Như vậy, ở kỳ hạn này, lãi suất huy động có sự chênh lệch rất lớn, giữa ngân hàng có lãi suất cao nhất và ngân hàng lãi suất thấp nhất chênh tới 2,45%/năm. Trong đó, CBBank hiện là ngân hàng có lãi suất cao nhất với 6,25%/năm ở kỳ hạn này. Hai ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn một chút là NCB (6,05%/năm) và NamABank (6%/năm). Vietcombank là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất với 3,8%/năm. Ba "ông lớn" ngân hàng khác là VietinBank, BIDV, Agribank cũng đưa ra mức lãi suất huy động rất thấp ở kỳ hạn này (4%/năm).
Ở kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy dao động quanh mức 3,8-6,35%. Chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa ngân hàng thấp nhất và cao nhất là 2,55%/năm. Ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này thuộc về CBBank (6,35%/năm). Vị trí thứ hai thuộc về NCB và SCB (6,2%/năm). Vietcombank vẫn là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất ở kỳ hạn này (3,8%/năm).
Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động là 4,6-6,8%. Mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này đang thuộc về SCB 6,8%/năm (áp dụng cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online). Một số ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất huy động khá cao là CBBank (6,55%/năm), Kienlongbank (6,5%/năm), Bảo Việt (6,3%/năm)... Hong Leong là ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động thấp nhất ở kỳ hạn này.
Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động quanh mức 5-6,6%. Lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này thuộc về CBBank và Kienlongbank (6,6%/năm). Ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này là Hong Leong.
Với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động dao động trong khoảng 5-7%. VRB là ngân hàng đứng ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở kỳ hạn này. Tiếp theo là VietABank (6,9%/năm), SCB (6,8%/năm), Kienlongbank (6,75%/năm). Hong Leong vẫn là ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động thấp nhất ở kỳ hạn này (5%/năm).
Ở kỳ hạn 36 tháng, các ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5-7%. VRB vẫn là ngân hàng đứng ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở kỳ hạn này. Còn Hong Leong vẫn là ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động thấp nhất ở kỳ hạn này (5%/năm).
Như vậy, nhìn vào biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại, có thể thấy, những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay chủ yếu là những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, những ngân hàng lớn lại có mức lãi suất huy động rất thấp, ở một số kỳ hạn có thể thấp hơn các ngân hàng nhỏ tới 2,55 điểm %/năm.
Tuấn Dũng