Huy động thấp cho vay cao

Trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng về mức thấp. Lần giảm gần đây nhất là vào ngày 1/10, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 4%/năm. 

Dựa vào đó, tất cả các ngân hàng thương mại đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, cả với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở lên. Hiện tại, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng thương mại chỉ ở mức từ 2,5-3,8%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 3,7-5,0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 4,9-5,8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại đã thấp hơn thời điểm cuối 2019 từ 1,5-3 điểm phần trăm và đang rơi vào vùng thấp lịch sử.

{keywords}
Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm

Lãi suất cho vay cũng theo chiều hướng giảm. Trong đó, ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước có mức lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường. Hiện mức lãi suất cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp ưu tiên thấp nhất ở mức 4,5%/năm, còn vay trung và dài hạn ở mức 7,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm lãi suất cho vay. Cho vay ngắn hạn chỉ còn 5,99%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất thấp như trên không nhiều. Phải thuộc nhóm 5 đối tượng ưu tiên, phải có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, có lịch sử tài chính tốt, có tài sản đảm bảo đầy đủ,... Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất cao hơn nhiều.

Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang cho vay kỳ hạn 6 tháng ở mức 9%/năm, 9 tháng là 9,5%/năm và 12 tháng là 9,75%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ dành cho 3 tháng đầu, tính từ khi vay vốn, sau đó sẽ được điều chỉnh dựa trên lãi suất tham chiếu cộng với biên độ từ 1-3%/năm. Tính ra, vay vốn kỳ hạn từ 6-12 tháng lãi suất vẫn ở mức trên 10%/năm.

Một doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh cho biết dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng tháng 11 vừa qua họ vẫn vay ngân hàng kỳ hạn 6 tháng lên tới 11,6%/năm, so với thời điểm tháng 6/2020 là 11,7%/năm thì chỉ được giảm 0,1 điểm phần trăm.

Không những thế, một số ngân hàng còn lấy lãi suất huy động cao nhất dành cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên để tính lãi vay cho khách hàng. Hiện lãi suất huy động với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên ở mức 8,2%-8,5%/năm, dành riêng cho một đối tượng rất nhỏ và không có tính phổ biến.

Chưa kể, về cuối năm, khi doanh nghiệp cần vốn, thì nhiều ngân hàng lấy lý do "hết room" tín dụng để đẩy lãi suất cho vay lên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thực sự sốc khi nhìn lại biểu lãi suất huy động vì không tưởng tượng được hiện có những mức lãi huy động 2,55-3%/năm ở những kỳ hạn ngắn, còn kỳ hạn dài chỉ 5-6%/năm nhưng lãi suất cho vay lại cao như vậy. 

Hơn nữa, tài sản thế chấp của doanh nghiệp là nhà đất, trước kia ngân hàng còn định giá cao và cho vay khoảng 50% giá trị, nay vừa định giá thấp hơn vừa cho vay khoảng 40% giá trị nên chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn.

{keywords}
Nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh 

Ngân hàng lãi lớn

Một số ngân hàng cho biết họ còn tồn số tiền lớn hàng nghìn tỷ đồng huy động từ đầu năm 2020, với lãi suất cao khoảng 7-8%/năm mà chưa cho vay được, vì vậy khó giảm nhanh lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo số liệu của FiinGroup, lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động đã giúp cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng tăng mạnh trong quý 3/2020. FiinGroup cho hay, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6% đã dẫn đến tăng NIM. Điều này cho thấy lãi suất cho vay không giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.

Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ Ngân hàng Bản Việt) đã tăng từ 9%/năm trong quý 2 lên 9,2%/năm vào quý 3/2020. Biên lợi nhuận cho vay gia tăng mạnh tại hầu hết ngân hàng trong quí III, bao gồm cả các NHTM Nhà nước, là nhóm chịu áp lực chính trong việc giảm lãi vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, FiinGroup thông tin.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của nhiều ngân hàng cho thấy năm 2020 lợi nhận vẫn đạt mức tốt. Báo cáo của Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt mức 1.439 tỷ đồng kế hoạch của cả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của năm 2019. Ngân hàng Á châu (ACB) cho hay, tính đến hết tháng 11/2020, lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8,723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), tính đến hết 10/2020 lợi nhuận trước thuế đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) tính đến hết 10/2020 cũng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Những ngày cuối năm,  Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng thông báo tính đến hết 30/11/2020, lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm. Như vậy, ABBANK đã vượt kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng Cổ đông đề ra cho năm 2020 trước 1 tháng. Bên canh đó, tổng tài sản ngân hàng đạt 92.337 tỷ đồng.

Tỷ lệ NIM của các ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trong quý IV/2020 nhờ lãi suất huy động giảm sâu và gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 dần hết hạn - FiinGroup cho biết. Như vậy, trong khi người gửi tiền tiết kiệm vẫn bị giảm lợi suất, nhiều doanh nghiệp còn khó tiếp cận được nguồn vốn rẻ thì các ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tốt.

Trần Thủy