- Dự thảo nghị định về giao thông bị phát hiện ban hành thêm 85 điều kiện kinh doanh và trao cho tư lệnh ngành thẩm quyền đặt điều kiện kinh doanh, trái với các quy định và quyết tâm cải cách hiện nay.
Khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Đầu tư năm 2014, ông đã thuyết phục được Quốc hội một điểm rất quan trọng: các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành từ cấp nghị định trở lên, có nghĩa là chỉ Thủ tướng mới được quyền ban hành điều kiện kinh doanh.
Quy định này nhằm chống lại tình trạng điều kiện kinh doanh mọc như nấm sau mưa, lên tới gần 7.000, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từng ước tính. Trong rất nhiều trường hợp các quy định này được đưa vào nhiều văn bản khác nhau như thông tư, chỉ thị, thông báo,... của các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương.
Như vậy, quyền ban hành điều kiện kinh doanh đã được thu từ rất nhiều người về tay một người là Thủ tướng.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là tinh thần này lại không được truyền vào Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nên ảnh hưởng và tác động của nó lên quá trình ban hành chính sách là tương đối hạn chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận rõ thực tế này và ông đang tìm cách hạn chế bộ máy tiếp tục ban hành điều kiện kinh doanh, mà rất nhiều trong số đó cản trở, hạn chế quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhân danh quản lý nhà nước.
Trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ban hành giữa tháng Bảy vừa rồi, Thủ tướng nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
Chỉ thị đó yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi trước 15/8.
Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước lại xuất hiện các văn bản đi ngược với tinh thần như vậy.
Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có điều kiện rất buồn cười. Ảnh minh họa |
Dự thảo Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86 do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo là một ví dụ.
Chẳng hạn, theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), dự thảo có 22 lần quy định giao thẩm quyền ban cho Bộ Giao thông vận tải quy định thêm, trong đó có: “… theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải” (16 lần) hoặc “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định…” (6 lần).
Vậy Bộ trưởng Giao thông Vận tải sẽ quy định điều gì trong những văn bản thuộc thẩm quyền? Vì sao những quy định đó, nếu có, không đưa luôn vào trong dự thảo mà lại quy định úp mở như vậy. Điều đó làm cho chính dự thảo nghị định kém minh bạch, hay thay đổi, không tiên liệu được và tùy tiện.
Quy định như vậy vừa trái với luật kinh doanh, vừa dễ tạo nghi ngờ trong cộng động doanh nghiệp về động cơ của của dự thảo.
Cách làm đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong bản dự thảo mới, CIEM phát hiện có tới 85 điều kiện kinh doanh được bổ sung, trong khi chỉ có 12 điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ so với Nghị định 86 hiện nay.
Trong số đó, có những điều kiện kinh doanh rất buồn cười. Ví dụ: "Trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau”.
Tại sao lại cấm mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau? Rõ ràng, các quy định trên là những điều kiện thể hiện sự cấm đoán, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một báo cáo của CIEM gửi Văn phòng Chính phủ, cơ quan này cho rằng, toàn bộ nội dung của dự thảo thể hiện cách tiếp cận chi phối là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do pháp luật quy định và theo quy định của pháp luật. Cách tiếp cận này trái với Hiến pháp, trái với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm.
Cách tiếp cận của Bộ Giao thông Vận tải, theo CIEM, thể hiện rất rõ là “siết chặt kinh doanh vận tải”, chứ không phải là bãi bỏ ít nhất ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành, mở rộng tự do kinh doanh, đảm bảo tính an toàn của hoạt động kinh doanh, tháo bỏ rào cản, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp như chỉ đạo nhất quán, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong gần 3 năm qua.
Với yêu cầu “siết chặt kinh doanh vận tải”, có quan soạn thảo đã đưa thêm vào một số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới bất hợp lý, không cần thiết; điều này trái hoàn toàn với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và Nghị quyết 19; trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu đặt thêm một điều kiện kinh doanh mới.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng để huy động nguồn lực cho phát triển đang là quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Những văn bản trái với tinh thần đó cần gỡ bỏ mới tạo niềm tin của người dân và doanh nghiệp.
Tư Giang
“Lái xe ở Hà Nội mà không bấm còi chỉ có điên”
Thay vì theo luật giao thông thế giới, người cứ ta hành xử kiểu định vượt mà thấy đối phương gấu quá thì nhường, họ nhường thì mình lấn, “thằng tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng tây nó lúi thì mình giật tiền”.
Khi xe Grab có mào
Tư duy chính sách cần theo kịp những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và xu thế hiện đại chứ không nên gò bó vào khuôn khổ của những hiểu biết cũ mới thúc đẩy sự phát triển.
Những quy định vận tải cười ra nước mắt
Có những quy định vận tải tréo ngoe, rối rắm mà người dân và doanh nghiệp có thể bị bắt lỗi, phạt tiền hay nhũng nhiễu bất kỳ lúc nào.