Đồng thời trong phần học lý thuyết (trước đó), cần giảng giải kỹ (cho học viên hiểu) thật rõ, thật đúng về đường cao tốc.

Thí dụ đường cao tốc ngoài thành phố, đô thị và đường cao tốc trong thành phố, đô thị đều có một đặc điểm chung là các giao lộ không gian khác mức, để cho các xe chạy liên tục.

Tuyệt đối không phải dừng xe vì đèn đỏ; hay phải nhường đường khi có xe chạy bên phải, hoặc khi có người đi bộ sang đường trên “vạch sơn ngựa vằn”-ở giao lộ đồng mức. Hay khi có xe chạy bên trái-đối với giao lộ vòng xuyến như quảng trường Étoile ở thủ đô Paris (Pháp), có 12 đường phố “gặp” nhau…

Ngoài ra đường cao tốc phải bảo đảm các yếu tố hình học, các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan an toàn giao thông như: chiều rộng dải phân cách giữa, chiều rộng dải an toàn, hệ số ma sát giữa bánh xe với mặt đường, chiều rộng làn dừng xe khẩn cấp (chứ không phải “dải dừng xe khẩn cấp”), khoảng cách tối thiểu giữa 2 khoảng trống dải phân cách giữa…

Thế nên, lâu nay chúng ta tuyên truyền đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai là sai bét. Bởi vì đoạn đường từ Yên Bái-Lào Cai, làm gì có hệ thống dải phân cách giữa, mà thực ra mới có đường cao tốc từ Hà Nội-Yên Bái.

Cao tốc Hà Nội - Lào Cai (Ảnh: Tecco)

Đặc biệt, đường cao tốc cũng không tránh khỏi những điểm: nhập vào và tách ra, tạo nên những đoạn nhập và những đoạn tách các làn xe, làm ảnh hường đến tốc độ xe chạy.

Song, quan trọng vẫn là bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên đường cao tốc. Bởi vì nếu xảy ra tai nạn giao thông (trên đường cao tốc), hậu quả sẽ rất thảm khốc, không kém gì trên đường đèo dốc.

Vì vậy đối với những người lái xe trên đường cao tốc cần tuân thủ nghiêm nhất điều gì, để góp phần bảo đảm ATGT? Và đó chính là cự ly-khoảng cách an toàn giữa các xe, mà khoảng cách an toàn phụ thuộc vận tốc xe chạy tối đa cho phép trên các đường cao tốc.

Nhưng người lái xe ước lượng thế nào cho đạt khoảng cách xe mình với xe chạy phía trước, để nếu tình huống bất chợt xe trước bị dừng đột ngột, thì xe mình vẫn phanh-thắng kịp, không đâm vào đuôi xe trước.

Phải đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc (Ảnh: Getty Images)

Điều này đối với những người lái xe thuần thục, từng trải, lão luyện thì thật đơn giản, quá quen thuộc với họ. Đã thế, trên đường cao tốc lại có các cọc mốc cự ly 100m, 200m… cho người lái xe dễ ước lượng khoảng cách giữa xe mình với xe chạy phía trước.

Song, với những lái xe mới toanh, vừa được cấp giấy phép lái xe thì không đơn giản dễ ước lượng khoảng cách an toàn trên đường cao tốc.

Do đó ngay từ khi học lái xe ô tô, các học viên học đến các tiết, các giờ cuối cùng của môn lái xe trên đường trường, cũng cần thiết được học chạy xe trên đường cao tốc.

Và trước đó phải được học cụ thể vmax= 100 km/h, thì cự ly an toàn giữa 2 xe cần bao nhiêu m? Vmax= 120 km/h, thì cự ly an toàn bao nhiêu m?... Và tại sao lại phải như thế... để góp phần bảo đảm ATGT trên đường cao tốc hiện nay và mai sau.

Độc giả Nguyễn Thành Lập

Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!