Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc, với hơn 378 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm tỷ lệ 24,54% dân số toàn tỉnh. Trong số đó có các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên như K'Ho, Mạ, Churu, M’Nông, RagLai, S'tiêng... cùng với các DTTS từ các tỉnh phía Bắc di cư vào sinh sống như Hoa, Tày, Nùng, Thái, Mường. Mỗi dân tộc đều mang đến những giá trị văn hóa độc đáo, phong phú, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của Lâm Đồng.
Những năm qua, Lâm Đồng luôn chú trọng đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng: Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 – 2030.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân cải thiện rõ rệt
Với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến hơn 1.700 tỷ đồng (giai đoạn 2022-2025), tỉnh đã tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa,... nhằm nâng cao đời sống và tạo điều kiện phát triển cho đồng bào DTTS.
Hệ thống giao thông được đầu tư mạnh mẽ. Hơn 500 công trình đường giao thông tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã được xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp. Từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỉnh cũng quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.
Đối với lĩnh vực giáo dục, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất cho 8 trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh DTTS như cấp học bổng, tổ chức các lớp học bồi dưỡng,...
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa, bảo tồn trang phục truyền thống, tổ chức các lớp dạy diễn tấu nhạc cụ dân tộc, lễ hội truyền thống.
Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, các chính sách về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tín dụng để chuyển đổi nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hội thảo đầu bờ được triển khai thực hiện, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Theo thống kê, đã có khoảng gần 1.100 hộ được vay vốn theo Quyết định 1719/QĐ-TTg, 380 hộ được vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg; hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 12.000 lượt hộ từ nguồn vốn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi và sự hỗ trợ trên, diện mạo nông thôn vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến đáng kể.
Nhiều hộ dân đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: cây ăn quả, rau, hoa, dâu tằm, cà phê, chè, sầu riêng,...; chăn nuôi gia súc (bò sữa, bò thịt, heo), gia cầm, cá… đã hình thành và phát triển mạnh. Qua đó mang lại giá trị kinh tế cao, nhất là tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Đà Lạt,.... Sản lượng, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp năm sau tăng hơn năm trước.
Các vùng chuyên canh phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của người dân cũng tăng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần đẩy mạnh, hoàn thiện. Chẳng hạn như: tiếp tục quan tâm, đảm bảo thực hiện hiệu quả và thực chất trong thực thi các chính sách dân tộc, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các khu vực; tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi;
Đa dạng hóa các nguồn lực huy động để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, gắn kết chặt chẽ với 02 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Tập trung đầu tư, kiên trì thực hiện đồng bộ các mục tiêu, biện pháp về nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực của vùng đồng bào DTTS; v.v...