Quyết định trên được nêu tại văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp vừa ký ban hành gửi Sở Xây dựng, Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Mount A (gọi tắt Công ty Mount A).

Khu đất số 11 Trần Quốc Toản có nguồn gốc do Công ty TNHH DiDaMa trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trả tiền một lần vào cuối năm 2015.

Sau đó, tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất từ ông Nguyễn Văn Tuần sang Công ty Mount A vào cuối năm 2021. Mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ. 

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, Công ty Mount A có văn bản đề xuất xem xét, chấp thuận cho công ty tiến hành thủ tục đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp 5 sao tại khu đất trên song song với quá trình UBND tỉnh tổ chức lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. 

Khu đất số 11 Trần Quốc Toản (trong ô màu đỏ) tại trung tâm TP Đà Lạt (Ảnh: Người lao động)

Theo đó, công ty này đề xuất làm dự án khách sạn cao cấp 5 sao trên diện tích khu đất hơn 6.360m2 với 7 tầng nổi so với mặt đường Trần Quốc Toản và 4 tầng hầm; mật độ xây dựng 60% (phần nổi), phần ngầm 90%. Khoảng lùi xây dựng tối thiểu 6 m với đường Bùi Thị Xuân và 10 m với đường Trần Quốc Toản.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, khu đất 11 Trần Quốc Toản thuộc phạm vi đồ án thiết kế đô thị khu vực cảnh quan hồ Xuân Hương và trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt.

Đề xuất các chỉ tiêu xây dựng khách sạn của công ty Mount A vượt quá quy định tại các đồ án này như mật độ xây dựng tại khu đất vàng này không được quá 40%, với khoảng lùi trên 40m cũng chỉ được xây công trình cao tối đa 5 tầng.

Chính vì vậy, cơ quan quản lý đánh giá, đề xuất xây dựng khách sạn này "chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị được duyệt".

Đồng thời, vị trí khu "đất vàng" trên hiện chưa có quy hoạch phân khu được duyệt. Đồ án quy hoạch phân khu trung tâm đang do UBND TP Đà Lạt tổ chức lập, trong đó chưa xác định vị trí khu đất 11 Trần Quốc Toản là công trình điểm nhấn.

Tỉnh Lâm Đồng đề nghị doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng, cũng như tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành dự án và đưa đất vào sử dụng đúng mục đích theo quy định.

Bên cạnh đó, yêu cầu các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và UBND TP Đà Lạt theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để sớm đưa dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xử lý về dự án.

"Không phải cứ xây cao là điểm nhấn"

Trao đổi với PV VietNamNet liên quan đến công trình điểm nhấn trong đô thị, KTS Phạm Thanh Tùng, chuyên gia phản biện độc lập cho rằng, không phải cứ công trình nào xây lên cao, to hoành tráng thì tạo thành điểm nhấn mà điểm nhấn trong đô thị lại là những yếu tố của di sản đô thị.

“Chính hồ Xuân Hương đã là một điểm nhấn của TP Đà Lạt. Nói đến Đà Lạt là nói đến hồ Xuân Hương, Đồi Cù, chợ Đà Lạt… đó là những điểm nhấn trong đô thị Đà Lạt và tạo nên bản sắc riêng cho thành phố cùng với thời tiết, khí hậu, con người và nhiều những cảnh quan khác.

Đà Lạt không phải chỉ có một vài điểm nhấn mà có rất nhiều điểm nhấn. Kiến trúc phải tham gia vào đô thị như thế nào để tạo nên sự hài hoà với đô thị, không phá vỡ cảnh quan. Đó mới là vấn đề quan trọng chứ không phải là 7 tầng, 10 tầng hay 100 tầng” – ông Tùng nói.