Thị trường âm nhạc Việt nhận những tín hiệu vui trong vài năm qua khi Hai phút hơn, Ghen cô Vy, Dễ đến dễ đi và gần nhất là See tình của Hoàng Thùy Linh trở nên nổi tiếng ở nhiều quốc gia. Yếu tố sáng tạo của nghệ sĩ, producer cùng sự góp sức không hề nhỏ từ nền tảng mạng xã hội là những lý do khiến một số ca khúc Việt có cơ hội được lan tỏa rộng rãi.
Sau See tình, chiến lược nào để âm nhạc Việt mở rộng thị trường, không chỉ dừng lại ở một số ca khúc viral vài chục giây trên mạng xã hội là câu hỏi đặt ra cho giới chuyên môn, nghệ sĩ.
Trao đổi với Zing, đại diện một số hãng thu âm quốc tế và trong nước cho rằng ngành âm nhạc Việt Nam cần có hướng đi bài bản, tổng thể và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tấn công thị trường thế giới.
Điều quan trọng nhất là nâng cao sự sáng tạo của nghệ sĩ, chất lượng sản phẩm nội địa để tiệm cận với thị trường quốc tế.
'See tình' có phải hiện tượng ăn may
Gần đây, See tình sốt trở lại trên nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ... Ngoài việc được các ca sĩ ở nhiều quốc gia cover, bản hit của Hoàng Thùy Linh còn được những người nổi tiếng hoạt động ở các ngành nghề khác như diễn viên, vũ công, vận động viên, hoa hậu… say sưa nhảy theo.
Đến nay, MV See tình cán mốc 41 triệu view trên YouTube. Ở các nền tảng nghe nhạc, mạng xã hội khác, lượng streams (nghe trực tuyến) của ca khúc này vượt qua con số hàng trăm triệu. Sức hút bền bỉ của See tình kéo dài một năm và vụt sáng trên toàn cầu trong hơn tuần qua.
See tình của Hoàng Thùy Linh tạo được cơn sốt ở nhiều quốc gia. |
Trước See tình, nhiều sản phẩm âm nhạc trong nước như Ngẫu hứng (Hoaprox), Ngây thơ, Dạ vũ (Tăng Duy Tân ft Phong Max), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng Master) và Hai phút hơn (KAIZ Remix ft Pháo)… cũng từng được khán giả yêu nhạc trên thế giới biết đến. Tất cả thành quả kể trên là tín hiệu tích cực cho thị trường âm nhạc nội địa.
Ông Hoàng Lê - CEO của TechBeat Records - nhận định với Zing rằng See tình hay những ca khúc như Hai phút hơn, Ngẫu hứng... không phải là hiện tượng ăn may. Bản thân các sản phẩm có nội lực mới đủ sức thể hiện tầm ảnh hưởng lớn ở phạm vi quốc tế và trong khoảng thời gian dài.
"See tình của Hoàng Thùy Linh ra mắt vào tháng 2/2022 là bản dance-pop pha trộn âm hưởng dân gian, đúng sở trường của nữ ca sĩ. Nhìn tổng thể, bài hát có giai điệu mê hoặc, màu sắc vui tươi, tạo cảm giác rung động thuần khiết, yêu đời. Bởi sự cuốn hút đó mà ca khúc dễ gây ấn tượng mạnh lần đầu nghe", ông Hoàng Lê nói.
Theo ông Hoàng Lê, sự lan tỏa rộng rãi của ca khúc này một phần nhờ ê-kíp của nữ ca sĩ khôn ngoan, bắt kịp trend của nền tảng mạng xã hội đang nổi, với bản phối có nhiều phân đoạn dành chỗ cho vũ đạo, đặc biệt là drop.
Từ thành công của See tình và nhiều sản phẩm nội địa, ông cho rằng thị trường âm nhạc Việt đang nhiều tiềm năng.
Chung quan điểm, ông Trần Thăng Long - đại diện Universal Music Vietnam - nói việc mở rộng thị trường ra quốc tế đối với ngành âm nhạc Việt càng lúc càng khả thi hơn trong bối cảnh ranh giới về địa lý và ngôn ngữ giờ đây được xóa nhòa đáng kể.
“Ngoài ca sĩ Việt, ngay thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy âm nhạc của nghệ sĩ Đông Nam Á như Zac Tabudlo (Philippines) với bài Pano, hay Fujii Kaze (Nhật Bản) với Matsuri đang được yêu thích ở toàn châu Á cho thấy cơ hội đang mở rộng hơn cho mọi nghệ sĩ không phân biệt quốc gia hay ngôn ngữ. Các nghệ sĩ trẻ chỉ cần tập trung vào sáng tạo âm nhạc và phát triển cá tính, cơ hội vẫn luôn chờ họ”, ông Long chia sẻ.
Chiến lược để nhạc Việt tấn công thị trường quốc tế
Số lượng ca khúc Việt tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, theo ông Hoàng Lê, để nhạc Việt không chỉ dừng lại ở hiện tượng với một số ca khúc viral vài chục giây trên mạng xã hội, mỗi nghệ sĩ cần có sự chuẩn bị và kế hoạch cụ thể cho từng thị trường mà họ hướng đến; mở rộng phạm vi bằng cách liên kết với nghệ sĩ quốc tế; tìm mọi cách để lan tỏa nhạc Việt ra khỏi biên giới.
Điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng của sản phẩm, tiếp cận ngưỡng âm nhạc thế giới. Trong đó, màu sắc âm nhạc phải gần gũi với khẩu vị của khán giả nước ngoài nhưng không thể thiếu đi yếu tố văn hóa Việt.
Tăng Duy Tân, Pháo, Mỹ Anh, MONO là những gương mặt được kỳ vọng của thị trường nhạc Việt. |
Ngoài ra, chiến lược phát hành, quảng bá và khai thác triệt để lợi thế của từng nền tảng mạng xã hội là yếu tố không thể tách rời trong quá trình đưa nhạc Việt ra khỏi biên giới.
CEO của TechBeat Records chia sẻ thêm hiện tại, Việt Nam chưa hình thành công nghiệp âm nhạc dù lĩnh vực này đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với các dịch vụ sản xuất, phát hành và quảng bá âm nhạc từ online đến offline.
"Trong các buổi thảo luận về âm nhạc trong nước, các chuyên gia thường nhắc đến yếu tố quan trọng để hình thành ngành công nghiệp là "Tổng giá trị ngành" trong một khu vực hoặc quốc gia. Hiện tại, chúng ta chưa có thống kê về tổng giá trị ngành âm nhạc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc quyết định đầu tư và chiến lược phát triển cho doanh nghiệp khi họ muốn tham gia vào ngành này", ông Hoàng Lê chia sẻ.
Còn ông Trần Thăng Long cho rằng ngành âm nhạc trong nước hiện tại tương đối sơ khai so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhưng thị trường Việt Nam luôn được đánh giá tiềm năng với nhiều nghệ sĩ có sức sáng tạo.
"Âm nhạc nước nhà sẽ cất cánh nhanh chóng khi quy trình sản xuất, phát triển nghệ sĩ tiếp tục chặt chẽ, quy mô hơn; âm nhạc có bản quyền được tiêu thụ mạnh mẽ và thói quen thưởng thức ca nhạc ở concert trở thành thói quen phổ biến với đa số mọi người", ông Long nhìn nhận.
Dự đoán về bức tranh thị trường nhạc Việt trong năm 2023, các chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn mà các nghệ sĩ hoạt động sung sức, phát hành nhiều sản phẩm, có sự đầu tư bài bản về chất lượng, hình ảnh.
Nhiều nghệ sĩ Việt sẽ kết nối, hợp tác với người nổi tiếng của nước ngoài để xuất khẩu âm nhạc, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng trong phạm vi châu Á, thậm chí toàn cầu trong tương lai gần.
(Theo Zing)