Việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động tiếp tục nhận được nhiều ý kiến. Trong đó đa số đồng thuận nên giảm thời gian đóng và tăng mức hưởng để đảm bảo cuộc sống khi nghỉ hưu.

Có ý kiến cho rằng, BHXH chỉ đóng 15 năm là hợp lý, còn đóng 20 năm thời gian vừa dài vừa không đảm bảo đủ mức sống cho người lao động. Theo đó có thể quy định mức đóng 15 năm cho về hưu nhưng tỷ lệ hưởng 40% thay vì 45% như hiện nay, còn nếu đóng đủ thì cứ mỗi năm đóng thêm tăng 1-2% mức hưởng nhưng không vượt quá 75%. Độ tuổi nghỉ hưu cũng nên điều chỉnh là nam 60 nữ 55 là phù hợp.
 
“Luật nên quy định đóng 15 năm BHXH hưởng 45%, 20 năm hưởng 55%, 25 năm hưởng 65%, 30 năm hưởng 75%, cho phép lĩnh lương hưu từ 50 tuổi.
 
Ví dụ như năm 50 tuổi lĩnh lương hưu thì đc 80% của số năm đóng BHXH bên trên, 55 tuổi mới bắt đầu lĩnh thì hướng 90% của số năm đóng BHXH, còn 60 tuổi mới lĩnh thì đc 100% tương ứng với năm đóng … ”, bạn đọc Chung Vu Dinh góp ý thêm.
 
Cân nhắc giảm thời gian đóng
 
Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia lao động, ông Đặng Quang Điều, nguyên Trưởng ban Chính sách pháp luật - Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ, việc Luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm cần được các cơ quan làm luật nghiên cứu đầy đủ hơn, kỹ càng hơn, tránh tình trạng ban hành luật chỉ được một thời gian rồi lại thay đổi. Việc này làm cho chính sách thực hiện khó khăn thiếu nhất quán, ảnh hưởng đến người lao động.

{keywords}
Số lao động rút BHXH một lần thời gian qua tăng cao (Ảnh: Lợi Đăng)

“Trước đây người lao động chỉ đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu, sau đó khi xây dựng luật BHXH đã tăng lên 20 năm. Thời điểm đó lý do điều chỉnh tăng thời gian đóng BHXH, tăng mức đóng để tạo thêm quỹ cho BHXH. Vậy bây giờ lại thay đổi theo hướng giảm thời gian đóng chưa hẳn đã phù hợp”, ông Điều nói.

Về đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, ông Đặng Quang Điều lo ngại, mức đóng ngắn, mức hưởng thấp thì mức lương hưu người lao động không đủ sống, nhà nước vẫn phải trợ cấp thì chính sách giảm thời gian đóng còn tồi tệ hơn. Hơn nữa, thời gian đóng giảm, mức đóng không tăng liệu quỹ BHXH sau này có đảm bảo chi trả, lo ngại vỡ quỹ BHXH lại đặt ra.

Nguyên thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân chia sẻ, khi làm luật năm 2014 việc tăng thời gian đóng BHXH từ 15 lên 20 năm cũng là do bài toán bắt buộc phải làm để đảm bảo sự an toàn của quỹ BHXH. Thời điểm đó cũng đã tính toán nếu thời gian đóng ngắn mà mức hưởng cao thì lại ảnh hưởng đến quỹ BHXH. Do vậy phải tăng thời gian đóng lên 20 năm để đảm bảo an toàn cho quỹ.

Bây giờ nếu lại giảm thời đóng BHXH xuống 15 năm, mức đóng không thay đổi thì lương hưu sẽ thấp đi. Trong khi việc tăng mức đóng hiện nay là không dễ.

“Hiện nay đóng BHXH 20 năm được 45%, nếu bây giờ giảm thời gian đóng xuống 15 năm nếu không tăng mức đóng chỉ còn 30-40%.

Vấn đề đặt ra là liệu doanh nghiệp, người lao động có chịu tăng mức đóng BHXH lên không khi mà cả doanh nghiệp và người lao động đều rất khó khăn, đó là chưa nói đến việc mức đóng ở nước ta hiện nay cũng thuộc diện cao so với các nước trên thế giới”, ông Huân nói.

Chỉ nên cho lao động rút một phần

Về tình trạng người lao động rút BHXH một lần thay vì tiếp tục đóng để hưởng lương hưu, ông Điều cho rằng rút BHXH một lần là quyền của người lao động. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế để ràng buộc người lao động như quy định chỉ được rút phần BHXH người lao động đóng, còn phần của doanh nghiệp và nhà nước thì phải giữ lại.

“Phần doanh nghiệp và nhà nước đóng đều là hỗ trợ người lao động, nhưng đây là phần đóng để đảm bảo an sinh, hỗ trợ người lao động khi hết tuổi lao động chứ không phải đóng để họ thích rút lúc nào thì rút. Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam cần lý giải cho người lao động hiểu rõ để tiếp tục tham gia đóng BHXH, đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần”, ông Điều nói.

Theo ông Phạm Minh Huân, việc không cho rút phần đóng BHXH do doanh nghiệp và nhà nước đóng cũng đã có nhiều nước quy định để hạn chế người lao động rút BHXH một lần.

Tại một số nước họ quy định lao động chỉ được rút một phần, phần còn lại đến độ tuổi nhất định mới được rút tiếp, hoặc chia ra hưởng hàng tháng. 
Đây là giải pháp hạn chế rút BHXH một lần, vì tiền đó vẫn được trả cho người lao động qua hệ thống BHXH. Đây cũng là cách để sau này ngân sách nhà nước không phải bỏ tiền cho các đối tượng trợ cấp xã hội.
Ông Huân cũng lưu ý, hiện nay tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao khiến mạng lưới an sinh bị suy giảm. Nếu người lao động rút một lần chi tiêu sạch, sau này hết tuổi lao động không có tích cóp thì nhà nước lại phải trợ cấp, tạo gánh nặng không nhỏ lên ngân sách.

Do vậy, vấn đề đặt ra là phải chuyển người lao động ở khu vực không chính thức sang khu vực chính thức để có quan hệ lao động tham gia BHXH bắt  buộc, có đóng có hưởng để tích luỹ lại một phần khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu trang trải cuộc sống.

Ở góc độ quản lý, theo các chuyên gia lao động, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, điều hành quỹ BHXH, tăng giá trị đầu tư tích lũy, nâng cao tỷ lệ nhận BHXH cho người tham gia.

 

Rút ngắn đóng BHXH xuống 15 năm, lương hưu có đủ sống?

Rút ngắn đóng BHXH xuống 15 năm, lương hưu có đủ sống?

Nhiều ý kiến đồng tình nên giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, tuy nhiên cần điều chỉnh mức hưởng cao hơn để tránh nhận lương hưu quá thấp, không đủ sống.

 

 Vũ Điệp