Nhìn từ những dự báo gần đây, quá trình phục hồi kinh tế thế giới khó hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

Trung tuần tháng 11/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ mức tăng trưởng của thế giới năm 2013 xuống còn 2,7% so với 3% cách đây vài tháng và năm 2014 giảm từ 3,6% xuống 3,3%.

So với một, hai năm gần đây, tăng trưởng của thế giới giảm chủ yếu do sự suy giảm của một số đầu tàu kinh tế thế giới, như: Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN 5 (trong đó có Việt Nam). Như vậy, trong ngắn hạn, thế giới vẫn phải đối phó với rủi ro và câu chuyện phục hồi, ổn định kinh tế vẫn còn dài, ít nhất đến năm 2016 mới có thể trở lại bình thường.

Thế giới cũng nghĩ giống Việt Nam, phải thay đổi và hy vọng nhiều vào quá trình chuyển đổi. Tư duy ít nhiều đã hướng tới tái cấu trúc kinh tế toàn cầu và khu vực phải phù hợp: Làm sao để nền kinh tế ngày càng gắn kết với kinh tế thực hơn, chia sẻ lợi ích phải tốt hơn giữa các nước và mỗi nước phải bền vững hơn, xanh hơn, sáng tạo hơn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nhưng làm thế nào để vật lộn với cái ngắn hạn và giảm thiểu được chi phí điều chỉnh trong quá trình chuyển đổi sang một cách thức phát triển mới vẫn là việc gây nhiều tranh cãi.

Làm rất ngắn và nói rất dài đang là câu chuyện của cả thế giới và Việt Nam. Cụ thể, khu vực Đông Á mong muốn hội nhập sâu hơn và trong hội nhập có sự đổi mới mà ASEAN là nền tảng, cải thiện kết nối cả về thể chế và kết cấu hạ tầng.

Nền tảng này đang được mở rộng ra ASEAN + 3, nhưng quá trình triển khai rất chậm. Bên cạnh đó là chuyện quản trị tổng cầu hay thúc đẩy cung gắn với chiến lược cân đối lại tăng trưởng của Đông Á, giữa xuất khẩu, năng suất, dịch chuyển cơ cấu với phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh.

Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy vật lộn với ngắn hạn đó và điều này gắn với nhiệm kỳ 5 năm của các nhà hoạch định chính sách, gắn chuyện "cơm ăn áo mặc" hằng ngày với tăng trưởng dài hạn.

Nhìn lại kinh tế Việt Nam giai đoạn từ 2001- 2006, không có những vấn đề lớn về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tăng dần lên, đầu tư tăng lên cân đối với tiết kiệm. Nhưng 5 năm sau khi gia nhập WTO, tăng trưởng giảm và đây là chu kỳ giảm dài nhất trong lịch sử cải cách của Việt Nam.

Bất ổn vĩ mô tăng lên với những vấn đề của đầu tư, tiết kiệm ngân sách, cán cân thanh toán quốc tế... Tổng quát lại, Việt Nam gặp phải hai vấn đề: cơ cấu, chất lượng tăng trưởng thấp và khả năng chống đỡ với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế Việt Nam rất yếu, thậm chí là một trong những nền kinh tế yếu nhất ở Đông Á.

Từ năm 2011, Việt Nam có dịch chuyển rất lớn về chính sách, đi vào ổn định kinh tế vĩ mô. Cách làm của Việt Nam là ổn định, không để nảy sinh những vấn đề xã hội quá lớn, gắn với tăng trưởng hợp lý.

Việt Nam quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế trong khi vẫn phải vật lộn với ngắn hạn và chưa nói tới hội nhập sâu sắc. Đấy là tư tưởng chính sách từ năm 2011, tất nhiên có một số điều chưa làm được và phải tiếp tục làm trong năm 2013.

Hiện nay, kinh tế vĩ mô được cải thiện nhưng chưa bền vững, doanh nghiệp vẫn khó khăn. Quốc hội đồng ý nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% năm 2013 (năm 2012 là 4,8%) và bảo đảm nợ công quốc gia dưới mức 65% GDP. Tuy nhiên, rủi ro nâng trần bội chi ngân sách nằm ở hiệu quả đầu tư công và nó liên quan đến lạm phát, tỷ giá, nợ công...

Rủi ro sẽ lớn hơn khi lòng tin của thị trường còn mong manh. Ngân hàng Nhà nước hồi đầu năm nói rất rõ là năm nay phá giá tiền đồng không quá 2 - 3%, nhưng ngay khi phá giá 1% cả thị trường Hà Nội và TP.HCM đã nháo nhào...

Những cách làm này cho thấy chúng ta đã lẫn lộn giữa ổn định kinh tế vĩ mô với cố gắng hỗ trợ thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi thực tế đòi hỏi phải có những quan sát để kịp thời điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt, đảm bảo kinh tế vĩ mô.

Một rủi ro nữa nếu Mỹ ngừng chính sách nới lỏng tiền tệ. Khi đó, đồng đô la lên giá và lãi suất đồng đô la tăng lên, ứng xử của chính sách vĩ mô của Việt Nam sẽ khó hơn rất nhiều.

Ở đây có vấn đề về điều hành, nếu chúng ta không tính được đầy đủ các khó khăn nội tại của đầu tư công, của hệ thống ngân hàng, cũng chưa thảo luận đến nơi đến chốn vấn đề phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Thách thức rất lớn, trong khi nhân lực, nguồn lực hạn hẹp, và Việt Nam đã thấy vấn đề của mình.

Các tổ chức tài chính quốc tế gần đây đều dự báo 2 năm tới, tăng trưởng của Việt Nam khoảng 5,3 - 5,4%. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014, đồng thời triển khai cả hội nhập, tái cấu trúc, ổn định, phục hồi nền kinh tế là rất tham vọng.

Hội nhập bây giờ liên quan đến kết nối, đến thuận lợi hóa thương mại, đến các chính sách sau đường biên giới. Cải cách, phân bổ lại nguồn lực của Việt Nam tương thích với đòi hỏi hội nhập. Việt Nam chỉ còn 7 - 10 năm nữa của thời kỳ dân số vàng.

Trong bối cảnh đổi mới chính trị, đây là cơ hội để lấy lại lòng tin, trong đó nhất thiết phải ổn định được vĩ mô và tái cấu trúc. Ở đây, ý chí dám làm, dám chịu trách nhiệm là vô cùng quan trọng, còn đòi hỏi đồng thuận 100% sẽ là không có.

TS.VÕ TRÍ THÀNH - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, HẢI VÂN ghi

Theo DNSG