Lòng tốt đâu có hiếm hoi, nó vẫn hiện hữu, chẳng qua vì nhiều khi chúng ta không hình dung ra được làm như thế nào để có nó thường xuyên hơn mà thôi.

LTS: Ngày nay, hẳn chúng ta đều thường xuyên nghe những lời than thở như “người tốt, việc tốt càng ngày càng hiếm hoi”. Xong thực sự có phải như vậy, hay bởi cái tốt, cái thiện vẫn hàng ngày âm thầm, lặng lẽ tồn tại xung quanh, mà chúng ta đã để những ồn ào của cái xấu lấn át đi đến nỗi không nhận ra?

Làm gì để nhân rộng những điều tốt đẹp trong mỗi con người và trong toàn xã hội, đó là mục tiêu mà mạch bài này của Tuần Việt Nam hướng đến. Mời độc giả cùng đọc, suy ngẫm và thảo luận.  

Không phải bây giờ người ta mới băn khoăn về việc xã hội càng ngày càng thiếu đi lòng tốt và sự tử tế, mà từ rất lâu con người đã loay hoay lý giải từ góc độ bản chất tâm lý mà cố tìm ra cái lẽ nhân sinh. Sách “Tam tự kinh” có câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” – con người sinh ra vốn tốt; nhưng cũng có người như Tuân Tử thì lại cho rằng ngược lại, “nhân chi sơ, tính bổn ác…”

Vậy con người vốn dĩ “thiện” hay là “ác?” Và con người trong đời sống liệu có dễ phân chia “phe người tốt” – “phe người xấu”?

Chúng ta đang sống trong thời đại của bùng nổ thông tin và mạng xã hội, thời của “thế giới phẳng” nên mạng xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và lối sống mỗi người. Nhiều khi lên mạng, chúng ta bắt gặp bao bức xúc xã hội tuôn trào, chuyện tiêu cực chỗ này kêu, chỗ kia chửi cứ thế mà “ào ào như sôi” khắp cõi mạng. Và câu than chủ yếu là “sao thời nay hiếm hoi lòng tốt đến thế!”

Hầu hết đó là những bình luận khi người ta chia sẻ một tin chẳng hạn về người bị nạn nào đó mà không ai giơ tay cứu giúp, hoặc một trường hợp khó khăn bị họ hàng, người thân bỏ mặc… Nhưng chính khi vừa kêu ca xong, chính những người kêu ca có khi lại rất hào hiệp đưa bàn tay giúp đỡ bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Hóa ra kêu chỉ để mà kêu vậy thôi, chúng ta vẫn động lòng trắc ẩn, và nhận ra cùng với chúng ta cũng có rất nhiều người cũng tốt như vậy, làm thành một cộng đồng.

Quan sát kỹ những điều đó, tôi không nghi ngờ rằng, xã hội thực ra tuyệt đối không thiếu lòng tốt, thậm chí có rất nhiều. Chỉ có điều, không phải dễ để hình dung ra được như thế nào là lòng tốt, như thế nào là việc tốt, và như thế nào là người tốt mà thôi.

{keywords}
Người thanh niên bị rơi tiền, chị bán hàng rong vừa giúp nhặt vừa kêu gọi mọi người “giúp người ta đi, đừng hôi của” - Ảnh: C.Thành/ TTO

Đã từ lâu tôi nhận ra, lòng tốt dù nhiều hay ít, đều có ở mỗi con người. Bởi một người nào đó dù có thể là kẻ cắp hoặc lừa đảo – theo lý thông thường thì tự động người đó bị coi là người xấu, nhưng ít ra thì anh ta, chị ta cũng có người thân, có mẹ có cha, có con có cái, có vợ có chồng để mà tốt kia mà?

Tôi vẫn tin, dù là “quỷ sứ” chăng nữa trong suốt cuộc đời của mình cũng có lúc phải động lòng trắc ẩn mà thương lấy một kiếp chúng sinh khổ đau nào đó. Ngược lại, trong chính mỗi người, ngày ngày sẽ thấy dấy lên trong mình ý nghĩ yêu thương, nhưng cũng sẽ có những ý nghĩ thù hận. Điều này cũng chắc chắn như hàng ngày chúng ta phải hít thở để sống vậy.

Tôi đồng ý với lý thuyết “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nhưng cũng cho rằng không có người tốt hay người xấu tuyệt đối, chỉ có người thường xuyên làm việc làm tốt và người thường xuyên làm việc làm xấu. Nếu có một cách nào đó để định lượng thì chúng ta sẽ có đánh giá, chẳng hạn anh A 7 phần tốt 3 phần xấu, chị B ngược lại chỉ được 3 phần tốt thôi. Vấn đề của phần đông chúng ta là thích vạch ra phạm vi, muốn “tuyệt đối hóa”.  

Cũng với kiểu tư duy “phạm vi” đó, chúng ta cho rằng có những người xứng đáng được hưởng lòng tốt của chúng ta thì đứng vào vòng (như cái vòng của Tôn Ngộ Không vạch ra dưới đất vậy), còn những người không xứng đáng thì xin mời… bước ra ngoài.

Thế mới có câu chuyện người cha nuôi hai con bại não, nhận được sự giúp đỡ của bao người nhưng khi phát hiện ra anh ta có một số cư xử có vẻ “không như ý” thì nhiều trong số chính những người vừa giúp đỡ, lại ầm ầm lên tiếng xỉ vả, thậm chí tiếc rẻ vì đã giúp đỡ “người không xứng đáng” đó.

Đặt ra những tiêu chuẩn và yêu cầu người nhận lòng tốt của chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn đó thì mới xứng là lầm lẫn về nhãn quan cuộc sống. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, do đó có một cách sống riêng, cách nhìn nhận riêng về cuộc sống.

Tôi nhận ra rằng chỉ là một người làm việc tốt chưa đủ, chưa hẳn đã là lòng tốt, là tâm thiện. Lòng tốt là “vô điều kiện,” nó sống trong ta khi ta có một cái tâm trong sáng nhất, chứ không thể sống với những suy nghĩ còn phân biệt, còn muốn rạch ròi, còn nghi ngờ điều này, điều khác.

Chưa bỏ được những suy nghĩ, những tâm lý thích rạch ròi, thích xây dựng tiêu chuẩn, muốn vạch ra phạm vi… cho lòng tốt của mình, thì nhiều khi chúng ta sẽ vô tình vi phạm nhiều thứ tổn hại chính mong muốn xây dựng lòng tốt trong mình. Khi tự thu hẹp “phạm vi” lòng tốt của mình, chúng ta sẽ ngày càng ngộ nhận rằng “thời đại này lòng tốt sao mà hiếm hoi thế.”

Lòng tốt đâu có hiếm hoi, nó vẫn hiện hữu, chẳng qua vì nhiều khi chúng ta không hình dung ra được làm như thế nào để có nó thường xuyên hơn mà thôi.

Phúc Lai