XEM VIDEO:

Sáng 21/8, phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phiên chất vấn nhằm xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.

Giám sát đến cùng 

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”. Qua đó thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên chất vấn nhằm đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát.

Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

TranThanhMan 0.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều.

Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành.

Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Hỏi 1 vấn đề tâm đắc nhất, trả lời đúng trọng tâm 

Theo chương trình phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề.

Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Thời gian chất vấn trong 1,5 ngày. Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lần 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, tập trung vào 1 vấn đề tâm đắc nhất, thuộc phạm vi 6 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

chatvan.jpg
Phien chất vấn diễn ra trong 1,5 ngày. Ảnh: QH

“Mong đại biểu nói chậm, nói rõ để Bộ trưởng, trưởng ngành theo dõi, thuận lợi trong việc ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng và trúng vấn đề mà đại biểu quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Bên cạnh việc đặt câu hỏi, đại biểu có thể tranh luận với người trả lời để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn với thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.

“Tôi tin tưởng, các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu, đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Chủ tịch Quốc hội nói.