Gia tăng số vụ bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ly hôn, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra đến 60 vụ bạo lực gia đình, tăng 6 vụ so với năm 2022. Đáng chú ý, một số vụ bạo lực gia đình đặc biệt nghiêm trọng như: bố giết con, em giết anh, con đánh bố mẹ, chồng đánh vợ… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hình thức bạo lực đa số là bạo lực thân thể, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Nguyên nhân chủ yếu của bạo lực gia đình là do cờ bạc, rượu chè; trình độ dân trí và đời sống, văn hóa ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn thấp, tồn tại những quan niệm bất bình đẳng giới, sự hiểu biết hạn chế về pháp luật… Nhiều phụ nữ không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà cam chịu bạo lực.

anh man hinh 2024 04 13 luc 202839.png
Gia tăng số vụ bạo lực gia đình, cần có giải pháp quyết liệt. Ảnh minh hoạ. 

Năm 2023, Tòa án Nhân dân hai cấp trong tỉnh đã giải quyết 1.116 vụ án hình sự, với hơn 2.000 bị cáo, trong đó có 4 vụ 4 bị cáo liên quan đến bạo lực gia đình; giải quyết 1.195 vụ ly hôn, trong đó nguyên nhân ly hôn do mâu thuẫn gia đình là 1.122 vụ, do bạo lực gia đình 7 vụ.

Tuy nhiên, trong công tác giải quyết án, nhiều vụ án xin ly hôn trên thực tế có liên quan đến bạo lực gia đình nhưng các đương sự thường có tâm lý che giấu về các hành vi bạo lực gia đình vì các nguyên nhân như xấu hổ, không có căn cứ chứng minh... mà thường đưa ra các nguyên nhân khác dẫn đến mâu thuẫn để xin ly hôn nên tòa án không có căn cứ thống kê, tổng hợp. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Mặc dù các cấp, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, song nhiều vụ việc bạo lực gia đình chưa được phát hiện, xử lý và can thiệp kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các đoàn thể trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện công tác gia đình đôi khi còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ liên quan đến gia đình hiệu quả chưa cao.

Cần có giải pháp phòng, chống quyết liệt

Từ thực trạng trên, việc nâng cao nhận thức về công tác phòng chống bạo lực gia đình là giải pháp được đặt lên hàng đầu. Do đó, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường hoạt động tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lưu động, cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu; biên soạn, in cấp phát các tài liệu.

Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết, để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu các phòng, ban, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong đó, chú trọng việc nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Đến nay, tại 17 xã, thị trấn đã thành lập được 17 mô hình phòng chống bạo lực gia đình với 81 câu lạc bộ và 81 nhóm gia đình phát triển bền vững. Các thành viên tham gia mô hình được phổ biến kiến thức pháp luật, hỗ trợ, can thiệp, giúp đỡ các gia đình khi có bạo lực.

anh man hinh 2024 04 13 luc 202613.png
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình. 

Từ năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các thành viên tổ chức 5 hội nghị tập huấn nhằm trang bị thêm các kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho 400 lượt cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; đăng tải hơn 150 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo trên 350 panô, băng rôn; in ấn 6.000 cuốn tài liệu các loại phục vụ tập huấn và truyền thông cho cán bộ, công chức, cộng tác viên, cha mẹ học sinh về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; cấp phát 5.000 tờ rơi về bình đẳng giới. Đồng thời tổ chức các hội thi, hội diễn nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)…

Cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, các cấp, ngành của tỉnh quan tâm duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 33 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 120 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” với 660 gia đình; 120 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 1.000 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 156 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 780 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” thu hút trên 21.130 gia đình tham gia; 780 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với khoảng 31.000 thành viên.

Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp các ngành đổi mới, nâng chất lượng hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình. Đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác gia đình, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của người dân, đẩy lùi bạo lực gia đình. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Khánh Vy