Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Thành phố đặt mục tiêu hơn 70% người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình; hơn 95% số người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe. Hơn 80% số người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực.
Với vai trò nòng cốt trong công tác bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình mới về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, như: "Thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái", "Nhà trọ an toàn", "Chung cư an toàn", "Gia đình nói không với bạo lực"... Năm 2023, các mô hình đã phát triển đi vào chiều sâu, thực chất.
Trước việc hầu hết hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xuất phát từ nam giới, phường Việt Hưng (quận Long Biên) đã thành lập "Câu lạc bộ nam giới nói không với bạo lực gia đình". Đây được xem là cách làm mới khi tập hợp thành viên là chồng, con hội viên phụ nữ, hội viên danh dự Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Việt Hưng.
Câu lạc bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức, loại bỏ hành vi bạo lực, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Với đông đảo thành viên là nam giới không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp, mô hình này là nơi chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Trong số những mô hình hoạt động hiệu quả ở Hà Nội không thể không nhắc đến mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng" (nơi trú ẩn khẩn cấp cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới) được triển khai thí điểm từ tháng 8/2018 tại số 360 Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, mô hình này đã hỗ trợ trực tiếp 10 vụ việc, hỗ trợ hơn lần 100 qua đường dây dây nóng.
Ngoài tư vấn về tâm lý, pháp luật, các nạn nhân được chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu khi tạm lánh khẩn cấp và chuyển tuyến nếu cần thiết. Sau đó, các đội ngũ cán bộ, cộng tác viên sẽ hỗ trợ người bị bạo lực trở về gia đình nếu bảo đảm đủ an toàn và tiếp tục theo dõi, hỗ trợ tái hòa nhập, ngăn bạo lực tái diễn.
Còn tại quận Thanh Xuân, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc đang triển khai hiệu quả cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không 3 sạch" trong đó có tiêu chí “Không bạo lực gia đình". Với đặc thù nhiều nhà chung cư cao tầng, dân trí tương đối cao nên trong những năm qua, Thanh Xuân Bắc không xảy ra các vụ mâu thuẫn lớn. Các cấp hội phụ nữ thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị khu dân cư nhằm quan tâm, nắm chắc tình hình thực tế, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn tại các gia đình, từ đó đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý.
Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thanh Xuân Bắc cho biết phần lớn nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do các ông chồng cậy mình là trụ cột nên sẵn sàng bạo hành vợ con khi không vừa ý. Nhiệm vụ của các thành viên không chỉ là khuyên nhủ người gây ra bạo lực, mà còn đưa ra hướng giải quyết hiệu quả để chấm dứt những hành vi đó.
Mới đây, chị P.T.Y. bị chồng bạo hành tinh thần trong thời gian dài do ghen tuông vô cớ. Xung đột khiến họ ly thân. Khi biết được sự việc, hội đã gặp riêng chị Y. để tìm hiểu nguyên nhân và trò chuyện, giải thích với người chồng. Sau khi kết nối để hai vợ chồng nói chuyện thẳng thắn, sau một thời gian ngắn, chồng chị Y. đã hiểu ra vấn đề và xin lỗi vợ. Đến nay cuộc sống của họ đã êm ấm trở lại.