Ngồi tại nhà thao tác điện thoại, ông Đặng Phụng Đức - một nông dân trồng xoài ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng có thể biết vườn xoài hôm nay thế nào, cần tưới nước hay bón phân không.

Theo ông Đức, ngày trước, mỗi khi muốn bón phân hay phun thuốc thì phải theo dõi thời tiết rồi dự đoán, còn độ ẩm, độ pH thì rất khó nhận biết. Nay nhờ triển khai mô hình Làng thông minh tại địa phương trên nền tảng của Hội quán Tâm Quê mà người trồng xoài như ông có thể nắm đầy đủ dữ liệu liên quan đến môi trường đất, môi trường nước ở vườn, thể hiện qua các thành tố như độ ẩm, độ mặn, độ pH, nhiệt độ... Từ đó, quyết định điều khiển chế độ chăm sóc cây phù hợp.

Ảnh chụp Màn hình 2024 10 02 lúc 11.13.59.png
Hệ thống quan trắc môi trường của mô hình Làng thông minh Tân Thuận Tây.

Ban đầu, Hội quán Tâm Quê thành lập ở xã Tân Thuận Tây gồm 65 thành viên để chia sẻ chuyện làng, chuyện xóm và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp quyết định chọn xã Tân Thuận Tây là nơi đầu tiên triển khai xây dựng mô hình Làng thông minh trong xây dựng nông thôn mới nên đã phát triển mô hình từ Hội quán Tâm Quê này. 

Theo ông Nguyễn Phước Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng đến nay, thành phố đã xây dựng xong Bộ tiêu chí và cấu trúc mô hình Làng thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước. 

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc môi trường với 2 thiết bị quan trắc về đất, nước và không khí; hoàn thành hệ thống tưới tự động sử dụng năng lượng mặt trời cho vườn xoài; lắp đặt hàng chục camera giám sát an ninh trật tự; xây hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh với 60 trụ đèn; đầu tư hệ thống giám sát điện, nước thông minh với 50 thiết bị đo chỉ số điện, nước; thiết kế hệ thống sổ tay canh tác điện tử… Tất cả giúp ích rất nhiều cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt.

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Hội quán Tâm Quê cho hay, từ khi triển khai mô hình Làng thông minh thì nông dân thay đổi nhiều về phương pháp sản xuất. Ngày trước, bà con thường dùng thuốc hóa học phòng trị sâu bệnh trên vườn xoài, nay được các nhà khoa học hướng dẫn cách dùng sản phẩm thảo dược làm từ gừng, tỏi và ớt để phòng trị hiệu quả và thân thiện với môi trường; đồng thời ủ chế phẩm sinh học để trồng xoài hữu cơ, VietGAP. 

Cùng với đó, người dân còn tiếp cận các thông tin về thị trường, giá cả, thời vụ canh tác… nên sự gắn kết giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ chặt chẽ hơn.

Với những thành tựu bước đầu mà mô hình Làng thông minh tại xã Tân Thuận Tây mang lại sẽ trở thành mô hình điểm, mô hình mẫu nổi bật có sự khác biệt của tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, góp phần xây dựng nơi đây thành một miền quê đáng sống.