Các lãnh đạo Công an tỉnh, thành khi trao đổi với PV VietNamNet đều khẳng định quy định về PCCC là cần thiết. Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp, quy chuẩn chưa rõ ràng cần tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp.
LỜI TOÀ SOẠN
Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.
VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế tại các địa phương và ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia về vấn đề này.
Nghị định 136 hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy và quy chuẩn 06 (QCVN:06) của Bộ Xây dựng, quy định các điều kiện, tiêu chuẩn công trình, dự án đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Khi triển khai và giám sát quy chuẩn này đi vào thực tiễn, cơ quan công an cấp tỉnh, thành, quận, huyện ở nhiều địa phương đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
Công an rất đồng cảm với doanh nghiệp
Trao đổi với VietNamNet, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương Phạm Chí Hiếu nêu quan điểm: “Quy chuẩn là do Bộ Xây dựng đưa ra, công an chỉ thực hiện theo, chứ không soạn ra quy chuẩn đó. Tại Hải Dương, hiện chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào của doanh nghiệp.
Nếu ai phản ánh thì tôi sẵn sàng gặp để chỉ cho họ thấy vì sao phải đình chỉ. Thực hiện nghiêm túc PCCC chỉ có tốt lên thôi, còn nguy hiểm đến tài sản và con người thì có lợi nhuận đến bao nhiêu cũng phải dừng.
Tỉnh Hải Dương đã đình chỉ 209 cơ sở vì vi phạm PCCC, chưa tính cả trăm cở sở kinh doanh dịch vụ khác tự xin tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng”.
Khác với sự dứt khoát của đại diện Công an tỉnh Hải Dương, lãnh đạo Phòng PCCC&CHCN, Công an tỉnh Hưng Yên tỏ ra đồng cảm với những khó khăn mà doanh nghiệp trong tỉnh đang đối mặt.
Công an tỉnh Hưng Yên cung cấp thông tin: Hưng Yên chấp hành nghiêm quy định của Cục PCCC đưa ra. Tỉnh đã đình chỉ, cho dừng hầu hết các quán karaoke. Trong quý 1/2023, địa phương cũng đã tạm đình chỉ 14 trường hợp và đình chỉ 19 doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài.
“Khi cơ quan cảnh sát PCCC xuống làm việc, doanh nghiệp họ có kiến nghị, trình bày những khó khăn trong thực hiện quy chuẩn 06 (QCVN:06). Luật thay đổi, chúng tôi vừa phải giám sát, vừa phải hướng dẫn và lắng nghe họ.
Trong bối cảnh này, công an có sự đồng cảm nhất định với doanh nghiệp. Nhưng có những vi phạm về PCCC, chúng tôi cũng thông tin lại để doanh nghiệp chia sẻ và đồng cảm với công an”, vị lãnh đạo này tâm tư.
PV đặt câu hỏi hiện giờ rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cơ sở dịch vụ karaoke mong muốn thực hiện PCCC đúng để được hoạt động trở lại nhanh nhất, Công an có giúp, hướng dẫn cụ thể cho họ được không?
Đại diện Phòng cảnh sát PCCC & CHCN Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: Về cấp độ cháy, thời gian cháy, giới hạn chịu lửa như thế nào thì công an trả lời được.
Nhưng giờ doanh nghiệp hỏi loại vật liệu nào đạt tiêu chí thì người thực thi như công an địa phương cũng không biết trả lời họ ra sao.
Cụ thể, theo quy chuẩn 06 yêu cầu chứng minh kết cấu vật liệu, tôn, thép, sơn… về khoa học là đúng, nhưng để đánh giá trên thực tế thi công thì không hề đơn giản.
Trên thì nói vật liệu phải đảm bảo quy chuẩn như thế, nhưng cụ thể chi tiết như nào để làm thì chưa rõ ràng. Đây chính là điểm cần cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ ngay.
Hiện nay, doanh nghiệp khi muốn làm nhà xưởng thì phải đi kèm kiểm định sơn lên kết cấu từng hạng mục công trình.
Mỗi loại công trình khác nhau thì kết cấu các hạng mục kiểm định cũng khác nhau.
Khó nhất là kết quả của công trình này không được ứng dụng vào công trình khác, dù tương đương. Tức quy chuẩn PCCC mới đang bắt doanh nghiệp phải kiểm định từng chi tiết cấu kiện. Điều này khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời gian thi công, chịu nhiều áp lực và tốn kém tiền bạc.
“Về lý, doanh nghiệp không muốn sơn lên cấu kiện thì có thể xây bê tông. Tuy nhiên, xây nhà xưởng bằng bê tông đã không còn phù hợp với đặc trưng công nghiệp hiện nay ở nước ta cũng như xu thế quốc tế.
Cần phải sớm ban hành quy chuẩn, bảng chi tiết đồng bộ PCCC để doanh nghiệp bớt khó khăn”, vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Hưng Yên kiến nghị.
Không nên đình chỉ vì lỗi hành chính
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng chỉ rõ: Tại điều 17 Nghị định 136 có quy định công trình không có giấy thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC thì đình chỉ hoạt động.
“Theo tôi, thiếu thủ tục hành chính thì chỉ xử phạt hành chính. Sau đó, công an tập trung hướng dẫn doanh nghiệp để làm thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu. Lâu nay, cơ quan quản lý tuân thủ quy định này nên đã đình chỉ, tạm đình chỉ doanh nghiệp chưa có thẩm định, ngay cả khi họ không vi phạm về quy chuẩn, không gây mất an toàn”, Đại tá Dũng chỉ rõ.
"Hiện nay, thấy doanh nghiệp khó khăn, công an có thể hướng dẫn ngay về quy trình, thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp hỏi mua sơn ở đâu, giá bao nhiêu thì công an không trả lời được, nếu có biết thì cũng không được nói vì như thế là vi phạm", Phó Giám đốc Công an Hải Phòng nói thêm.
Theo Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Bộ Xây dựng cần sớm có bảng tiêu chuẩn chung về khả năng chịu nhiệt của các loại sơn lên tính chịu lực của vật liệu… để có thể đồng bộ áp dụng cho các đối tượng, công trình giống nhau.
Quy chuẩn mới yêu cầu sơn lên vật liệu, ngoài tác dụng chống cháy, còn khả năng chịu lực. Tuỳ vào vật liệu với độ dày, mỏng, vuông, tròn… thì có khả năng chịu nhiệt khác nhau. Hoặc nên tính ở nhiệt độ bao nhiêu thì cấu kiện kim loại mềm, biến dạng, mất khả năng chịu lực là được, không cần tính đến khi sập.
Từ đó, Phó Giám đốc Công an Hải Phòng kiến nghị, Nghị định 136 cần nghiên cứu, tiếp thu thêm thực tiễn để có những tháo gỡ cho phù hợp.