Ngày 14/2, đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã dâng hương, dâng hoa lên khu mộ đồng chí Huỳnh Tấn Phát (tại Nghĩa trang Thành phố), nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 – 15/2/2023).

Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM…

Tham gia cùng đoàn còn có các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TPHCM, tỉnh Bến Tre cùng đoàn đại biểu nhân sĩ trí thức, tôn giáo, dân tộc...

Lãnh đạo TPHCM dâng hương, dâng hoa đồng chí Huỳnh Tấn Phát ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dâng hương tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại Nghĩa trang Thành phố, các đại biểu đã dành phút mặc niệm và dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ. Tiếp đó, đoàn dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát – một nhà trí thức yêu nước, có uy tín lớn, một lãnh đạo luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, là tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế.

Lãnh đạo TPHCM dâng hương, dâng hoa đồng chí Huỳnh Tấn Phát ảnh 2

Các đại biểu dâng hương tại khu mộ đồng chí Huỳnh Tấn Phát. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), mất ngày 30-9-1989. Lúc nhỏ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát học ở Mỹ Tho, rồi lên học Trường Pétrus Ký Sài Gòn. Năm 1933, ông thi đậu Khoa Kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Năm 1940, ông về Sài Gòn và mở văn phòng kiến trúc sư tại đường Mayer, nay là đường Võ Thị Sáu.

Trước tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã chuyển hướng sang hoạt động cách mạng, làm Chủ nhiệm tuần báo Thanh Niên, tích cực hoạt động trong phong trào truyền bá quốc ngữ, phong trào cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ.

Tháng 3-1945, đồng chí được kết nạp vào Đảng và được giao nhiệm vụ hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong do Xứ ủy Nam kỳ lãnh đạo. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong Cách mạng Tháng Tám - khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 25-8-1945 tại Sài Gòn mà đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Trưởng ban Cổ động.

Ngày 23-9-1945, Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, đồng chí bị bắt nhưng sau đó được trả tự do nhờ tên tuổi của một kiến trúc sư danh tiếng. Tháng 10-1945, đồng chí ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc, khi trở về tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên tại Mỹ Tho. Năm 1946, đồng chí bị bắt và bị kết án 2 năm tù. Trong tù, tại Khám lớn Sài Gòn, đồng chí thành lập Liên đoàn Tù nhân và làm Trưởng ban Đại diện. Tháng 11-1947, đồng chí ra tù, được phân công làm công tác trí vận ở nội thành Sài Gòn.

Năm 1949, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vào hoạt động ở Chiến khu Đồng Tháp, là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ. Năm 1950, khi Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Sau Hiệp định Genève 1954, đồng chí hoạt động ở nội thành và tham gia Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào năm 1956, sau đó là Ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, có thời gian ra vào hoạt động ở vùng Tam giác sắt (Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát).

Cuối năm 1960, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định.

Tháng 6-1969, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đảm trách nhiệm vụ này cho đến ngày thống nhất đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng, Trưởng ban Quy hoạch đô thị, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

Với nhiều công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.

(Theo Sài Gòn Giải phóng)