Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện nay, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Lào Cai về lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, nhất là lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trước đây, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin. 

Theo đó, để thực hiện lộ trình chuyển đổi số quốc gia, Lào Cai đã xác định rõ mục tiêu xây dựng và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, người dân cần có hiểu biết về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực này có hiệu quả.

Hàng năm, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tổ chức, triển khai các hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng. 

Riêng trong năm 2023, Lào Cai đã mở 13 lớp đào tạo an toàn thông tin với 383 học viên tham gia, qua đó giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực ứng phó với các trường hợp sự cố, mất an toàn thông tin; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hệ thống mạng thông tin tại cơ quan mình…

Đặc biệt hiện nay, Lào Cai đang thực hiện chính sách thu hút người có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vào làm việc tại các vị trí chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, nếu làm việc tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng; làm việc tại các huyện được hỗ trợ 150 triệu đồng. 

Lào Cai cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo: Cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi tham gia đào tạo ngắn hạn tập trung được hỗ trợ 100% học phí, tài liệu theo quy định của cơ sở đào tạo; tiền ăn; tiền đi lại…

anh chup man hinh 2024 01 23 luc 133531.png
100 đại biểu đã tham gia buổi diễn tập thực hành trực tiếp khả năng ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Đặc biệt, trong năm 2023, Lào Cai cũng đã tổ chức các đợt diễn tập thực chiến ứng cứu sự cố tấn công mạng cho các cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và thành viên đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh.

Điển hình như mới đây, tại huyện Bảo Thắng, có 100 đại biểu đã tham gia buổi diễn tập thực hành trực tiếp khả năng ứng cứu sự cố mất an toàn thông tin, xử lý các tình huống tấn công vào hệ thống thông tin. Đồng thời các đại biểu cũng được tìm hiểu kinh nghiệm vận hành hệ thống, xử lý sự cố an toàn thông tin; kịp thời phát hiện sớm các điểm yếu tồn tại trên hệ thống công nghệ thông tin bao gồm cả con người, chính sách, quy trình; nắm rõ hơn về hiện trạng đảm bảo an toàn thông tin và có các đề xuất trang bị bảo mật kịp thời cho đơn vị.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, mỗi tuần hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh ghi nhận và ngăn chặn trung bình gần 200 lượt tấn công trái phép vào trung tâm mạng thông tin của tỉnh và các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương (số lượng các cuộc tấn công ngày càng tăng). 

Các cơ quan chuyên môn cũng đã ngăn chặn trên 40 triệu thư rác, thư chứa mã độc. Có 86 địa chỉ IP tĩnh internet trong các cơ quan nhà nước phát hiện có kết nối đến mạng máy tính "ma" (botnet). Đặc biệt, đã ghi nhận, xử lý 19 sự cố an toàn thông tin mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh, đều xảy ra trong quý III năm 2023.

Để chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, nâng cao năng lực, thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của tỉnh; xây dựng hệ thống thế trận an ninh Nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý các thông tin gây hại tới không gian mạng trên địa bàn tỉnh; hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các sở, ban ngành, cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thành lập một đơn vị bảo đảm an toàn, an ninh mạng; bảo vệ kết cấu hạ tầng không gian mạng và các hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030: Duy trì và nâng cao năng lực, thứ hạng về an toàn, an ninh mạng của tỉnh, góp phần nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu; xây dựng thế trận an ninh Nhân dân trên không gian mạng với sự tham gia tích cực, đông đảo của quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh; củng cố, tăng cường lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phấn đấu 80-90% người sử dụng Internet có cơ hội tiếp cận các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, chiến lược đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước; hoàn thiện hành lang pháp lý; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và kết cấu hạ tầng không gian mạng; tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế; ….

Đinh Bạt Tuấn, Lã Thị Kiều Oanh