Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới gồm 25 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số, sống trải dài ở 138 xã, phường, thị trấn. Những năm trước, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn lớn.

Năm 2014, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Chỉ thị nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng thấp...

Cánh đồng lúa của bà con dân tộc Tày ở Bảo Yên, Lào Cai. 

Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Lào Cai đã giảm bình quân 5%/năm. Năm 2021, số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 41.195 hộ/102.919 hộ dân tộc thiểu số; tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số là 40,03%. Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 26 triệu đồng/người/năm.

Đạt được kết quả trên là nhờ những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách về đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc, nhất là các thôn xóm ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Theo đó, hằng năm, tỉnh ưu tiên dành khoảng 65 - 70% tổng vốn đầu tư từ ngân sách đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là chương trình nông thôn mới, đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 65/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Cũng từ năm 2014 - 2021, Lào Cai bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 11.304.812 triệu đồng. Vì thế, khu vực nông thôn trong tỉnh được quan tâm đầu tư phát triển: 100% xã và 98% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm. 100% xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 95% số hộ được xem truyền hình. Trên 95% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% xã vùng đồng bào dân tộc có điện lưới quốc gia; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 95,8%. 

100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đều có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; hoàn thành đầu tư nhu cầu nhà ở công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm cho các trường phổ thông dân tộc nội trí, bán trú đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. 

Toàn tỉnh có 138 xã/138 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 123/138 xã có nhà văn hóa xã, 100% các thôn bản có nhà văn hóa thôn, 113/138 xã có sân luyện tập thể thao; 99/138 xã đạt chuẩn nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa.

Vĩnh Sang, Mỹ Bình, Huyền Sâm, Diệu Bình, Kiều Oanh