Lào Cai được xác định là một trong các tỉnh trọng điểm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc, vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.

Tìm hiểu được biết, Lào Cai có nhiều đường mòn lối mở, nhiều đường tiểu ngạch, giao thông đi lại chưa thuận lợi, công tác truyền thông tuy đã được đẩy mạnh song có mặt còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ nông thôn vùng biên trong độ tuổi lao động không có việc làm ổn định; trình độ nhận thức chưa cao, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn... Do đó, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em tại một số địa bàn có lúc, có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Thực tiễn công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em ở tỉnh biên giới Lào Cai thời gian qua cho thấy, tội phạm mua bán người chủ yếu hoạt động ở vùng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có trình độ dân trí thấp, nhận thức còn nhiều hạn chế, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn và khu vực biên giới. 

Đối tượng gây án chủ yếu là người dân tộc thiểu số chưa có tiền án, tiền sự, vì hám lợi nên đã cấu kết với các đối tượng ở các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La và đối tượng người Trung Quốc tạo thành đường dây, ổ nhóm lừa đưa phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc. 

Vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tố giác tội phạm.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, tỉnh Lào Cai đề nghị các lực lượng chức năng của Trung Quốc, Myanmar tiến hành giải cứu 40 bị hại; giải cứu khu vực nội địa 4 bị hại; tiếp nhận bàn giao 368 nạn nhân từ các nước.

Từ năm 2012 đến hết năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận 843 nạn nhân bị mua bán trở về; trong đó 327 nạn nhân là người địa phương.

Những con số trên cho thấy, tình trạng mua bán người tại địa phương diễn ra hết sức phức tạp, cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

Năm 2011, chị T trú ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương địu đứa con 6 tháng tuổi lên rừng kiếm củi. Trên đường đi, chị gặp một người đàn ông đứng tuổi. Hắn vồn vã hỏi chuyện chị như đã quen biết từ lâu.

Sau đó, hắn còn nhiều lần đến tận nhà chị vẽ ra cuộc sống tốt đẹp ở bên kia biên giới với việc nhẹ, lương cao. Tin lời hắn, chị T đã đi theo người đàn ông này và đó là khởi đầu của những chuỗi ngày tủi hờn, cay đắng.

Chị T kể, chị còn may mắn hơn nhiều người bởi một năm sau đó, lợi dụng sơ hở của bọn chúng, chị đã trốn thoát. Trên đường, chị được nhiều người tốt giúp đỡ. Đến Việt Nam, chị được lực lượng chức năng đưa về nhà.

Năm 2012, Nguyễn Thị N, sinh năm 1998, quê Ninh Bình quen một bạn trai qua Facebook. Chỉ thời gian ngắn biết nhau trên mạng, hắn chiếm được cảm tình của N bằng những lời hứa hẹn. Do đó, chị đồng ý cùng hắn lên Lào Cai chơi.

Sau đó, N bị bạn trai bán sang Trung Quốc, bị bọn buôn người ép làm gái mại dâm. Chị không chịu tiếp khách, chạy trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập. Khi được giải cứu, trở về Việt Nam, chị phải mất một khoảng thời gian dài trị liệu tâm lý để bớt lo âu, sợ hãi và sức khỏe dần ổn định trở lại.

Huy động sức mạnh tổng hợp phòng, chống mua bán người

Điểm chung của các vụ việc trên là tội phạm mua bán người có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, người môi giới, dẫn dắt.

Theo bà Trần Thị Hoàn, chuyên viên Phòng Dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, Trung tâm Công tác xã hội Lào Cai, hầu hết nạn nhân đều là những người sống trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, chủ yếu không có việc làm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ cả tin.

Nguy hiểm hơn, theo nhận định của lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai, xu hướng tội phạm mua bán người trong vài năm trở lại đây bắt đầu có sự thay đổi theo hướng chuyển cách tiếp cận từ trực tiếp sang gián tiếp.

Chúng thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin hoặc các trang mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, vận chuyển, giao nhận nạn nhân. Các đối tượng còn thay đổi thủ đoạn như: môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh, hướng dẫn nạn nhân tự vượt biên giới đi sâu vào nội địa Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cho biết, địa phương đã và đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

Tỉnh đổi mới và đẩy mạnh cả về nội dung và hình thức công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, tố giác tội phạm. Tăng cường đào tạo và phát triển những hạt nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền cũng như phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng ngay tại cấp cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Sơn, để giảm nguy cơ người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, ngoài tăng cường công tác truyền thông ở cơ sở, Sở chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống tội phạm mua bán người, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt trong công tác bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới.

Thời gian tới, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tiếp tục chủ động tăng cường phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp quản lý, nắm bắt tình hình trên địa bàn, đặc biệt là vùng biên giới. Tập trung kiểm soát các đường mòn, lối mở, đường đò, kịp thời ngăn chặn các đối tượng trước khi đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài. Thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng, địa bàn, nạn nhân để phối hợp giải cứu nạn nhân và đấu tranh, triệt phá…

Kiều Nga và nhóm PV, BTV